Với những người phải xa quê, chắc hẳn ai cũng có chung tâm trạng mong ngóng thời điểm được về nhà đón Tết. Cứ đến độ trung tuần tháng Chạp là lòng dạ nôn nao, ánh mắt xa xăm trong nhiều buổi chiều tư lự chỉ nghĩ đến về quê. Chẳng phân biệt nơi ấy là nông thôn hay thành thị, chỉ cần biết ở nơi ấy có người thân đang ngóng đợi là nỗi nhớ lại da diết đến quặn lòng.
Những năm tháng làm xa nhà, bao nhiêu cái Tết là bấy nhiêu lần tôi đếm ngược mỗi cữ tháng Chạp về. Để rồi vỡ òa cảm xúc mỗi khi nhìn thấy cây cầu phao quen thuộc ở đầu làng, nhìn thấy mái ngói thẫm đỏ nhuốn màu thời gian của ngôi nhà mình sinh sống suốt những năm tháng tuổi thơ lấp ló phía đằng xa. Mỗi lần như thế tôi lại ba chân bốn cẳng chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà để được ào vào cổng gọi to “bố mẹ ơi, con về rồi”. Dù khi ấy bố mẹ tôi có đang làm gì cũng sẵn sàng “vứt” đó chạy ra bế cháu, dành phần đỡ đồ đạc lỉnh kỉnh cho tôi.
Về quê ăn Tết, tôi sẽ được cùng mẹ đi chợ chọn những bó lá dong đẹp nhất, những ống giang thẳng nhất để về chẻ lạt, gói bánh. Chiều 27, 28 Tết, chị em tôi sẽ được tíu tít vừa rửa lá rong, vo gạo, đãi đỗ vừa tíu tít chuyện trò. Mẹ tôi sẽ gói những chiếc bánh chưng vuông vắn để đặt lên bàn thờ tổ tiên, bố tôi sẽ gói những chiếc bánh dài, tròn trịa mà quê tôi hay gọi là bánh Tày để dễ cắt, dễ rán những ngày sau Têt. Chúng tôi sẽ như được trở về tuổi thơ, chờ cho mẹ gói xong còn thừa nhân đỗ, mỗi đứa sẽ được một nắm nho nhỏ. Ôi chao! Mới ngon làm sao, quện trong mùi thơm phức, đỗ sẽ mịn dần rồi tan trong khoang miệng.
Về quê ăn Tết, tôi sẽ được cùng bố xách xô nước vôi trắng tinh để đi tảo mộ. Tôi sẽ được tận tay quét vôi lại “ngôi nhà” của ông bà, cụ kỵ rồi cùng bố thắp nén nhang thơm mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu. Về nhà, bố sẽ hướng dẫn tôi quét vôi cho từng gốc cây thân gỗ trong vườn, vừa để cây hạn chế sâu bệnh vừa là khoác áo mới cho cây đón Tết.
Về quê ăn Tết, chị em tôi sẽ được ra cánh đồng làng cắt những bông hoa nào là lưu ly, thược dược, vi - ô - lét, cúc kim cương… tươi rói về chơi Tết. Được lựa những cây mùi già thật già thơm ngào ngạt về nấu nước rửa mặt và nước tắm vào chiều cuối năm. Tôi sẽ được ăn bữa cơm tất niên sum vầy, đầm ấm bên những người tôi yêu thương hơn tất thảy.
Về quê ăn Tết, để tôi còn cảm nhận được thứ hương đặc trưng trầm ấm, sánh đặc trong cái lạnh có phần tê tái của những ngày Tết. Đó là mùi thơm của loại hương đen Đồng Mỗ của riêng Thái Nguyên, loại hương mà dù đi nhiều nơi nhưng tôi chưa một lần bắt gặp…
Bởi thế cho nên, tôi như tím ruột bầm gan mỗi khi không thể về quê vào dịp Tết. Dù không nói ra, nhưng tôi biết dáng gầy của mẹ sẽ luôn đứng ngóng tôi nơi đầu ngõ, hai hố mắt trũng sâu của bố vẫn lặng lẽ nhìn về phía chân trời nơi tôi đang sống trong những buổi chiều tà. Mẹ tôi đã quen để dành mọi thứ ngon nhất phần con cháu để Tết chúng nó về ăn, dù các con chẳng đứa nào còn thiếu thốn. Nhưng chắc cac bà mẹ ở quê chờ con đều vậy, luôn trông ngóng những đứa con ở xa đến mỏi mòn.
Có người nói sợ Tết. Sợ những lo toan, tốn kém mỗi khi Xuân đến, Tết về. Ô hay, Tết nào có tội gì đâu mà làm ta sợ. Những lo toan, tốn kém kia âu cũng là tự ta nghĩ mà ra. Đừng cho nó là gánh nặng thì nó sẽ không trở thành gánh nặng. Ai rồi cũng phải trưởng thành và có những lối đi riêng, nhiều người buộc phải xa quê nhưng trong tiềm thức của mỗi người sẽ đêu có hương sắc, mùi vị của cái Tết ở quê nhà. Đó sẽ luôn là những hồi ức đẹp ru lòng người nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, nơi thiêng liêng 2 tiếng quê nhà.
Với tôi, Tết chỉ thực sự đến khi tôi được trở về nhà. Tết đến rồi. Về quê thôi!