Được đánh giá là tỉnh có nguy cơ với dịch bệnh nhưng từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại tại Việt Nam (28-1) đến nay, Thái Nguyên không xuất hiện các ca bệnh dù trên địa bàn có tới 92 ca F1, gần 2.000 ca F2 và nhiều trường hợp đi, đến và trở từ vùng dịch. Có được kết quả ấy bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của 2.609 tổ tự quản phòng, chống dịch tại các thôn, xóm, bản trong tỉnh.
Các tổ tự quản này được thành lập từ đầu năm 2020 và kích hoạt trở lại sau khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nước ta. Mỗi tổ đều có các thành phần tham gia như: trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố; nhân viên y tế thôn, tổ dân phố; lực lượng công an; đại diện các hội, đoàn thể…
Cùng các thành viên trong tổ tự quản xóm Hưng Thái, một trong 14 tổ tự quản của xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đi tuyên truyền, vận động tại các cụm dân cư, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình của những con người hết lòng vì việc chung ấy. Ông Nguyễn Thế Thịnh, Trưởng xóm và cũng là Tổ trưởng tổ tự quản cho hay: Hiện nay, xóm có hơn 400 hộ dân. Do địa bàn rộng nên để làm tốt công tác phòng, chống dịch, tổ luôn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như qua các cụm loa truyền thanh của xóm, thông có các cuộc họp có đại diện của các ngành, đoàn thể… để nâng cao nhận thức người dân trong việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Đặc biệt, chúng tôi còn thường xuyên nhắc nhở nhân dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, không tụ tập đông người; thường xuyên tuần tra rà soát những người từ nơi khác về địa phương kịp thời báo cáo ban chỉ đạo phường; hướng dẫn mọi người thực hiện tốt việc khai báo y tế...
“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng 8 thành viên trong tổ tự quản của xóm Hưng Thái đều cảm thấy vui vẻ. Bà Dương Thị Hồng Nguyên, nhân viên y tế thôn bản của xóm nói: Ngày 29-1, UBND xã đã ban hành thông báo về việc thực hiện rà soát người từ địa phương khác đến Hóa Thượng và cung cấp mẫu tờ khai cho các hộ dân. Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, dù rất bận rộn nhưng chúng tôi vẫn đi đến từng nhà để phát tờ khai cho bà con. Đồng thời, nhắc nhở mọi người thực hiện theo thông điệp 5K của Bộ Y tế để bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng. Công việc tuy có thêm phần vất vả nhưng chúng tôi vẫn thấy rất vui vì đã góp được một phần công sức nhỏ bé cho các hoạt động phòng, chống dịch.
Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, ở những địa bàn có các khu chợ hoạt động, tổ tự quản còn phối hợp với Ban Quản lý chợ, chính quyền địa phương nhắc nhở bà con phải thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… khi đến bán hoặc mua hàng hóa. Theo ông Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng (Đại Từ), các tổ tự quản đều không kể đêm hôm, khuya sớm hoạt động rất tích cực, có hiệu quả. Còn chị Lê Thị Mây, ở tổ 7, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) thì khẳng định, thông qua hoạt động tuyên truyền của các tổ tự quản, người dân đã chủ động khai báo thông tin y tế liên quan, thông tin về các trường hợp đi, đến các vùng có dịch.
Có thể thấy, thời gian qua, các tổ tự quản phòng, chống dịch ở các địa phương hoạt động rất hiệu quả khi đã vận động các hộ dân, cơ sở kinh doanh… chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch; giám sát các trường hợp tự cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà; theo dõi biến động về nhân khẩu trên địa bàn các khu dân cư để kịp thời phát hiện, thông báo cho chính quyền, cơ sở y tế những trường hợp phải cách ly, giám sát y tế và có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và xử lý vi phạm phòng, chống dịch…
Ông Đặng Ngọc Huy, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” có yếu tố nguy cơ, các tổ tự quản phòng, chống dịch đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn, khống chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.