Mỗi người, mỗi ngày đều cần nước cho cuộc sống, sinh hoạt. Bởi vậy, Nhà nước và các cơ quan chức năng của tỉnh rất chú trọng đến việc cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo cho người dân, nhất là đối với đồng bào vùng khó, vùng sâu, xa. Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng tỉnh, đến đầu năm 2021, Thái Nguyên có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số trường học điểm, trường chính có công trình cấp nước sạch...
Theo dọc công trình nước sinh hoạt ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), ông Hoàng Văn Mùi, người cao tuổi có uy tín ở xóm cho biết: Công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng năm 2020, với tổng mức đầu tư gần 1,3 tỷ đồng. Công trình bảo đảm cấp đủ nước sinh hoạt quanh năm cho 50 hộ thuộc chòm Khe Cạn. Có nước sạch về tận nhà, bà con có nhiều thời gian cho sản xuất, nghỉ ngơi, các gia đình không phải sắp xếp nhân lực chuyên lo việc đi lấy nước như trước đó.
Chuyện công trình nước sinh hoạt, bà Dương Thị Hoa, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) chia sẻ: Nhà nước cho người dân chúng tôi nhiều lắm, trong đó có công trình nước sinh hoạt. Nhưng dân chúng tôi chỉ biết dùng, chưa biết giữ nên nước không về cho mọi nhà cùng uống. Trong cảnh thiếu nước, bà con mới hò nhau mang cuốc, thuổng lên núi, thấy đất đá xô xuống lấp vào mỏ nước, bà con đã cùng nhau đào, dọn rác, sửa lại đường ống mất 7 ngày để khơi lại nguồn nước.
Hiện, trên toàn tỉnh có 236 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó 197 công trình tự chảy và 39 công trình bơm dẫn. Hầu hết các công trình nước sạch nông thôn được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; vốn ngân sách địa phương, vốn Ngân hàng thế giới… Trong thời gian 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có thêm nhiều các công trình nước sinh hoạt được xây dựng mới hoặc sửa chữa nâng cấp, mở rộng đưa vào khai thác sử dụng, như các công trình cấp nước sinh hoạt ở xóm Gò Lá, Bãi Chè, Đồng Mè xã Khôi Kỳ; công trình ở xóm Tân Tiến 1-2, xã Quân Chu (Đại Từ); công trình ở xóm Làng Hang - Làng Cũ, xã Phương Giao (Võ Nhai)… Có thêm một công trình nước sinh hoạt, đồng nghĩa với việc người dân vơi đi nỗi lo thiếu nước. Hơn thế, đó còn là sự giải phóng sức lao động cho phụ nữ nông thôn, nhất là vùng đồng bào có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống.
Bên bể nước tự chảy, chị Triệu Thị Đào, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) chia sẻ: Nhờ có bể chứa nước, công việc nội trợ của chị em chúng tôi thuận tiện hơn rất nhiều. Được biết, xã đã có hơn 70 hộ được hỗ trợ bồn chứa nước inox, đường ống dẫn nước từ các công trình nước sạch về tận nhà. Còn chị Hoàng Thị Tấu, xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) phấn chấn: Có hệ thống nước tự chảy về tận nhà, đôi vai người phụ nữ chúng tôi không phải gắn liền với ống bương đựng nước.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Võ Nhai cho biết: Trong 5 năm gần đây, Chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được các cấp, ngành triển khai, thực hiện hiệu quả. Đã có gần 1.600 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Nhiều xóm vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình dẫn nước từ lưng núi về đến trung tâm xóm…
Đồng bào các dân tộc thiểu số có câu: Ăn có thể nhịn 1 tuần, nhưng nước không thể nhịn 1 ngày. Cũng vì thế mà người dân thường tìm đất dựng nhà ở nơi có nguồn nước sạch và thuận nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhưng cùng thời gian, làng xóm thêm sinh sôi, mở rộng; hoặc sau các cuộc di dời, định cư ở vùng đất mới, việc lựa chọn đất ở không có nhiều, nên bà con khắc phục bằng cách đào giếng, khoan giếng lấy nước. Song, có nhiều nơi tầng nước bị ô nhiễm, nên người dân phải sử dụng nước chưa sạch. Để giúp người dân vơi đi khó khăn về nhu cầu nước sinh hoạt, cùng thực hiện hỗ trợ cho người dân các tư liệu sản xuất, công trình hạ tầng cơ sở, Nhà nước còn thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân ở các vùng có khó khăn về nguồn nước.
Ví như ở T.X Phổ Yên, vùng đất công nghiệp trẻ, nhịp sống sôi động, nhưng ở các xóm vùng sâu, vùng xa còn chưa hết khó khăn, nhiều người dân vẫn phải nhận tiền hỗ trợ về nước sinh hoạt phân tán; đồng thời hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung giao cho người dân quản lý, khai thác. Như công trình nước sinh hoạt tại xóm Đầm Mương 14, xã Minh Đức. Ông Cao Hồng Ngọc, Chi hội trưởng Người Cao tuổi xóm chia sẻ: Nhà nước cho bà con công trình nước sạch. Nước về tận nhà, đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân cũng từng bước văn minh hơn.
Chia tay bà con người Sán Dìu miền Đầm Mương - Minh Đức, chúng tôi ngược Quốc lộ 3, đến với bà con người Dao xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương). Trên đường đi, ông Vũ Thăng Long, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Toàn huyện có gần 1.000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán trong 5 năm gần đây. Đặc biệt xã Yên Ninh, Nhà nước đầu tư hơn 6,7 tỷ đồng để xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung tại xóm Đồng Danh. Công trình giao cho bà con tự quản lý, khai thác. Còn ở xóm Người Mông Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) cũng được Nhà nước đầu tư một công trình nước sinh hoạt. Hàng chục hộ dân dưới chân núi được sử dụng 4 mùa mà không mất tiền điện, tiền bơm nước...
Câu chuyện làm đoạn đường như ngắn lại, xóm Suối Bốc đã ở ngay trước mặt. Thấy chúng tôi vào thăm nhà, bà Đặng Thị Hoa trò chuyện thân tình. Bà khoe: Theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho vùng đồng bào khó khăn, xóm có 30/100 hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Mỗi hộ được vay từ 12-20 triệu đồng để xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh.
Quên cả mời nước, bà kéo tôi vào thăm công trình phụ. Tận khi ấy tôi mới nhận ra một điều giản dị trong cuộc sống: Có nguồn nước sinh hoạt ổn định, môi trường nông thôn, thành thị cũng trở nên trong lành. Hơn thế, đó còn là sự giải phóng cho đôi vai người phụ nữ.