Thời gian gần đây, nhiều người đầu tư vào chơi lan đột biến với mong muốn “đổi đời” nhanh chóng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường lan đột biến tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi các cơ quan chức năng có động thái vào cuộc thì các giao dịch lan đột biến “trầm” xuống. Giữa cơn “sốt” ảo thị trường lan đột biến, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn “sống khỏe” từ việc nhân giống lan rừng.
Khi cả nước rộ lên các cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đã tạo ra cơn sốt ảo, nhiều người dân trong tỉnh đổ không ít tiền vào mua lan. Các vườn lan vẫn mọc lên như nấm sau mưa. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc về những vụ giao dịch lan tiền tỷ, nhiều chủ vườn lan đã chuyển sang giao dịch ngầm. Tức là vẫn đưa lên Facebook việc mua, bán lan, song không đưa số tiền cụ thể. Chỉ có các hội nhóm chơi lan với nhau tự đưa ra giá, giao dịch không hợp đồng, giấy tờ. Tuy nhiên, những việc giao dịch “ngầm” này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với người mua, nhất là khi xảy ra các vấn đề tranh chấp.
Trong khi nhiều người đổ xô vào đầu tư lan đột biến với mong muốn phất lên nhanh chóng thì trên địa bàn tỉnh có rất nhiều gia đình làm giàu từ việc bảo tồn các giống lan rừng quý hiếm. Đến xóm Trung Thần, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) khi hỏi về các hộ trồng lan có thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng không phải là hiếm. Nhiều người dân trong xóm đã sưu tầm, nhân giống lan cách đây hàng chục năm. Hiện, xóm có trên 120 hộ thì có tới gần 100 hộ trồng hoa lan. Nhà ít vài chục giò, nhiều vài trăm giò lan. Các hộ tự tìm hiểu kinh nghiệm trồng, chăm sóc, nhân giống lan để bán. Cũng nhờ trồng lan, đời sống của người dân ngày càng khá giả, nhiều hộ làm nhà, mua xe ô tô từ lan. Tiêu biểu như gia đình anh Diệp Minh Tuấn có gần 500 giò lan với khoảng 100 loài lan các loại. Là một trong những người đầu tiên trồng hoa lan ở Trung Thần, anh Tuấn được xem người có nhiều kinh nghiệm trong nhân giống và chăm sóc hoa lan của xóm. Trung bình mỗi năm, từ việc bán hoa lan, trừ các khoản chi phí anh Tuấn thu lãi gần 200 triệu đồng.
Việc bảo tồn các loài lan rừng không chỉ là niềm đam mê của người dân mà tỉnh ta cũng đặc biệt quan tâm. Năm 2017, một trong những nhiệm vụ khoa học được tỉnh triển khai là Dự án “Thu thập, lưu giữ, định danh một số loài lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gien và xây dựng bảo tàng về các loài lan rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
Theo TS Vũ Văn Thông, giảng viên chính Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, thư ký dự án: Các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong Ban thực hiện dự án và 30 sinh viên ròng rã suốt 6 tháng trời tìm kiếm, sưu tầm các loài lan trong các khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai), sườn đông dãy núi Tam Đảo, các khu rừng xung quanh hồ Núi Cốc, các khu rừng tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh... đã thu thập 106 loài lan rừng, mỗi loài thu thập khoảng 30 giò. Sau khi đánh giá, phân loại, tìm hiểu đặc tính sinh học, định danh tên khoa học, tên tiếng Việt thì xác định có 24 loài lan rừng quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam như: Lan Hài đuôi Công, Hài đốm, Nhất điểm hồng, Hoàng thảo long nhãn...
Để thuận lợi cho việc tiếp tục nghiên cứu sâu về đặc điểm sinh học, nhân giống bằng phương pháp giâm hom, tách nhánh, nuôi cấy mô tế bào phục vụ công tác bảo tồn, khai thác phát triển nguồn gien, Khu bảo tồn các loài lan rừng được đưa về khuôn viên của Trường Đại học Nông lâm. Hiện, dự án đã nhân giống thành công với hàng ngàn giò lan rừng. Các giống được nhân như: Phi điệp, Trầm, Hạc vỹ, Kèn... Đồng thời, các kỹ thuật viên cũng đã hoàn thiện được quy trình trồng, chăm sóc lan, là cơ sở nhân giống nhiều loài lan có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương để cung cấp ra thị trường, góp phần việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất hoa nói riêng.
Dự án “Thu thập, lưu giữ, định danh một số loài lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gien và xây dựng bảo tàng về các loài lan rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” được nghiệm thu, đánh giá, xếp loại xuất sắc. Việc thực hiện dự án này không những có ý nghĩa về mặt bảo tồn nguồn gien mà còn có giá trị thiết thực trong việc khai thác phát triển nguồn gien các loài lan để phục vụ nhu cầu của xã hội, giảm áp lực đối với các loài lan trong tự nhiên.