Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước và thực hiện cải cách hành chính (CCHC), UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Nhờ đó, DVCTT của tỉnh đã từng bước tăng mức độ, phạm vi cung cấp.
Việc cung cấp DVCTT là vấn đề mấu chốt để thực hiện nền hành chính hiện đại, chuyển từ cơ chế “xin - cho” sang phục vụ nhân dân. Do vậy, trong những năm qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp cung cấp DVCTT mức độ 3, 4. Trên cơ sở danh mục DVCTT do UBND ban hành, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh lựa chọn các thủ tục hành chính (TTHC) lợi thế để phục vụ cho tổ chức, công dân khi có nhu cầu.
Ngay trong quý I-2021, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ điện tử, Chương trình chuyển đổi số, 100% đơn vị, địa phương trong tỉnh đã kết nối đồng bộ các hệ thống quản lý và điều hành. Riêng hệ thống Quản lý và Điều hành của tỉnh với trên 10.000 tài khoản tiếp tục được vận hành, duy trì việc gửi/nhận trên 380.000 văn bản. Hệ thống này đã giúp tiết kiệm cho các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh gần 1,5 tỷ đồng chi phí bưu chính, giảm trên 3 triệu giờ trong quý I-2021. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hệ thống liên thông văn bản của tỉnh được kết nối với Chính phủ và 1.793 cơ quan trong tỉnh; 206/206 đơn vị, địa phương trong tỉnh kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh để giải quyết TTHC cho nhân dân. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu cơ quan chuyên môn thực hiện cấp trên 3.700 nghìn chứng thư số, hoàn thành việc tích hợp chữ ký số trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, góp phần nâng tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi nội bộ tiến tới đạt 100%.
Ngày 19/2/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-UBND về công bố Danh mục DVCTT mức độ 4 của cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Theo đó, toàn tỉnh có 1.231 dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công, gồm: Cấp tỉnh có 1.072 TTHC; cấp huyện 115 TTHC và cấp xã 44 TTHC. |
Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh cũng đã chính thức được vận hành trên nền tảng điều khiển và công nghệ hiện đại do Tập đoàn Viettel cung cấp từ đầu năm 2021. Từ Trung tâm này, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm bắt được quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân; tích hợp giám sát, điều hành dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh; xác định các nghiệp vụ để theo dõi, giám sát dịch vụ một cửa; cung cấp thông tin, hình ảnh từ 23 camera lắp đặt tại các địa phương trong tỉnh… Qua đó, Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh sẽ trở thành “mắt thần” của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát. Theo đó, cán bộ cơ quan hành chính các cấp cũng từng bước chấm dứt việc đi muộn, về sớm, thái độ cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu… Đây cũng là giải pháp hữu hiệu, “bằng chứng” để nhân dân trong tỉnh thực hiện quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước.
Trong số các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, ngành Thuế là một trong những đơn vị đi đầu trong áp dụng DVCTT với nhiều TTHC. Mới đây nhất, Cục Thuế tỉnh tiếp tục yêu cầu chi cục thuế các địa phương phối hợp với chi nhánh văn phòng đất đai cấp huyện thực hiện việc trả thông báo thuế điện tử. Từ đó, góp phần giúp người dân, tổ chức khi nộp thuế thuận lợi, không phải in sao thêm giấy tờ để bổ sung hồ sơ, cán bộ chuyên môn giảm đầu việc, áp lực… Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, DVCTT trên địa bàn tỉnh phát sinh không nhiều hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 đạt thấp. Ở một số sở, ngành gần như không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Đặc biệt, đối với một số sở, ngành của tỉnh có danh mục trực tuyến cao, như: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Y tế… số lượng tổ chức, cá nhân khai thác, giải quyết TTHC trực tuyến cấp độ 3, 4 không nhiều.
Theo đại diện một số đơn vị, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều người dân, doanh nghiệp trong tỉnh chưa biết và chưa thực sự quan tâm nhiều đến các DVCTT. Mặc dù, các cơ quan truyền thông, sở, ngành của tỉnh đã tổ chức tuyên truyền về DVCTT qua nhiều kênh khác nhau nhưng tỷ lệ người dân biết và sử dụng DVCTT còn thấp. Mặt khác, thói quen dùng giấy tờ, trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế nên gây khó khăn trong việc tiếp cận các DVCTT...
Để nâng cao tỷ lệ người dân, đại diện tổ chức trong tỉnh, ngoài tỉnh khai thác, sử dụng DVCTT, theo kiến nghị của các chuyên gia, cán bộ làm chuyên môn và một số người dân, UBND tỉnh nên xem xét giao chỉ tiêu cung cấp và vận động sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 cho các cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh. Chỉ có như vậy, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện mới có giải pháp quyết liệt, cụ thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Tiêu chí về việc thực hiện DVCTT của các đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng nên sử dụng để đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện công tác CCHC hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương... Qua đó, giúp người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các TTHC, nhất là tránh được nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ cán bộ. Đồng thời, giúp cơ quan Nhà nước giảm tải được áp lực, giải quyết công việc thuận tiện, khoa học hơn.