Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động, kéo theo tình trạng người lao động mất việc làm và nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần có xu hướng gia tăng. Ðiều này đặt ra những khó khăn, thách thức cho mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, cũng như việc “từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ” và “hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân” theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.
Gia tăng tình trạng nhận BHXH một lần
Tại hội thảo “BHXH một lần ở Việt Nam - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra”, do BHXH Việt Nam phối hợp Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức mới đây, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam nhấn mạnh, việc người nhận BHXH một lần có xu hướng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến mở rộng diện bao phủ BHXH.
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn từ 2014 đến 2019, cơ quan BHXH giải quyết chi trả cho gần 3,7 triệu người hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm có hơn 600 nghìn người hưởng BHXH một lần, tương đương số người tham gia mới hằng năm. Theo Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam, nếu so sánh về tỷ lệ thì số người hưởng BHXH một lần so với số người tham gia BHXH bắt buộc chiếm bình quân 4,58%, tương đương với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bình quân cả giai đoạn 2014- 2019 là 5,72%. Ðiều này có nghĩa, cứ có hai người mới tham gia vào BHXH thì có một người rời khỏi hệ thống.
Ðáng lo ngại hơn, đối tượng hưởng BHXH một lần đang tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ tuổi. Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39, chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2014 - 2018; trong đó tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ 25 đến 29 (chiếm 27,6%), nhóm tuổi từ 30 đến 34 đứng thứ hai chiếm 25,3%; tiếp theo là nhóm tuổi từ 35 đến 39 và nhóm tuổi từ 20 đến 24 lần lượt là 15,5% và 10,6%.
Số lượng người hưởng BHXH một lần trong những năm qua có xu hướng gia tăng đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, bởi người lao động nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ giảm, hoặc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân người lao động, gia đình và xã hội. Ðồng thời, là một trong những nguyên nhân dẫn tới tốc độ mở rộng độ bao phủ của hệ thống BHXH tăng rất chậm. Giai đoạn 5 năm (2014 - 2018), tốc độ tăng số người tham gia BHXH bắt buộc bình quân hằng năm là khoảng 6%, thì đến năm 2019 chỉ còn tăng 5,2% (thấp hơn 0,8 điểm %). Ðiều này đặt ra những thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu về mở rộng độ bao phủ BHXH trong thời gian tới.
Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Ðình Quảng cho rằng, thu nhập của người lao động hiện đang quá thấp. Kết quả khảo sát tiền lương cho thấy, thu nhập của người lao động chỉ đủ để bảo đảm cuộc sống trước mắt, tích lũy chỉ khoảng 15%, người lao động dễ rơi vào tình trạng nghỉ việc sẽ hết tiền và dẫn đến xu hướng nhận BHXH một lần... Bên cạnh đó, nhiều người lao động chưa hiểu hết về lợi ích của chính sách BHXH; hệ thống chính sách BHXH chưa linh hoạt và thật sự hấp dẫn; đặc biệt khi chính sách BHXH một lần hiện nay còn khá thông thoáng, dễ tiếp cận, thì người lao động sẽ tìm đến đó như là một công cụ tài chính trước mắt.
Cần giải pháp đồng bộ, có tính liên kết
Có thể thấy, tình trạng hưởng BHXH một lần của người lao động đã, đang và sẽ tiếp tục gia tăng, điều này dẫn đến việc người lao động khi hết tuổi lao động sẽ không có hoặc giảm sút lương hưu. Việc hưởng BHXH một lần gia tăng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người dân, không để ai ở lại phía sau.
Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, BHXH một lần là một trong những chế độ BHXH, nó không được khuyến khích sử dụng mà chỉ được coi là một giải pháp bảo đảm quyền lợi cho những người lao động vì một lý do đặc biệt nào đó không thể hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Chính vì vậy, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần cần nhiều giải pháp đồng bộ có tính chất liên kết.
Theo Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam, để giảm việc hưởng BHXH một lần, cần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và bảo đảm đời sống của người lao động. Tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm. Hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội khác,…), qua đó góp phần tăng thêm cơ hội cho người lao động có thể tiếp tục tham gia đóng góp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Cần sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách BHXH một lần, có sửa đổi, bổ sung hoàn thiện bằng công cụ chính sách để người lao động tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần đánh giá quá trình thực hiện Luật BHXH một cách chi tiết hơn, nhất là về quá trình thực hiện quy định BHXH một lần cũng như những hạn chế, bất cập đang còn tồn tại, sớm có lộ trình sửa đổi luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Về mặt tổ chức thực hiện, cần mở rộng mạng lưới thông tin, truyền thông để chuyển biến nhận thức của người lao động về ý nghĩa của chính sách BHXH, hạn chế nhận BHXH một lần, chủ động tham gia BHXH để có lương hưu về già. Tiếp tục cải cách hành chính, thay đổi phương thức quản lý để tạo sự hài lòng, nâng cao niềm tin của người dân với chính sách an sinh của Nhà nước.
Trên cơ sở các ý kiến phân tích chính sách của các chuyên gia tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn kiến nghị cơ quan xây dựng chính sách, quản lý nhà nước sớm nghiên cứu, sửa đổi chính sách, pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong chính sách BHXH hiện nay, qua đó tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.