Hiện, dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, trong đó có một số nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam. Trong nước, mặc dù tình hình dịch cơ bản được kiểm soát song nguy cơ tái bùng phát luôn thường trực. Vậy nhưng, nhiều người dân trên địa bàn T.P tỉnh vẫn còn chủ quan trong việc phòng chống, nhất là tại các nơi tập trung đông người.
Sáng 28-4, đi dạo một vòng quanh chợ Thái, chợ Túc Duyên, chợ Đồng Quang… chúng tôi quan sát thấy, không ít tiểu thương và người dân không thực hiện theo đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Bước vào sảnh chợ Thái, bắt gặp ông Nguyễn Văn Phương, nhân viên bảo vệ, chúng tôi hỏi Ban quản lý chợ có quy định bắt buộc người dân khi ra, vào phải đeo khẩu trang hay không? Ông Phương trả lời: Đeo cũng được mà không đeo cũng được. Đi từ tầng hầm lên tầng 1, rồi tầng 2, chúng tôi quan sát thấy cả người bán và người mua đa phần không đeo khẩu trang. Khi được hỏi về lý do, chị Nguyễn Thị Quyên, một hộ dân kinh doanh hàng sắt trong chợ Thái chia sẻ: Tôi vừa đeo khẩu trang nhưng thấy nóng quá lại bỏ ra cho mát.
Không chỉ ở các chợ, mà tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chúng tôi cũng thấy người dân còn khá chủ quan, nếu có chỉ là thực hiện theo kiểu đối phó. Tại Siêu thị Lan Chi, trên đường Bắc Kạn và Trung tâm Thương mại Vincom, nằm trên đường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên)…, nhân viên những nơi này cũng không đưa ra yêu cầu khách hàng phải rửa tay khử khuẩn. Ở ngay cạnh cửa ra vào các trung tâm là chai dung dịch sát khuẩn nằm trên ghế không mấy người sử dụng. Tình trạng không đeo khẩu trang cũng diễn ra tương tự tại các quán bán hàng ăn sáng, café, trà đá vỉa hè.
Tại khu vực Bến xe Trung tâm T.P Thái Nguyên, mặc dù được nhân viên của Bến thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở nhưng nhiều người dân chỉ đeo khẩu trang khi đi qua cửa ra, vào rồi lại tháo ra. Các quán nước, hàng ăn trong bến vẫn có khách ngồi tụ tập đông người. Ông Nguyễn Văn Tuyển, một hành khách ở xã Yên Lãng (Đại Từ) cho biết: Mấy ngày hôm nay, đọc thông tin trên Internet tôi thấy mức độ nguy hiểm của dịch đã cao hơn khi nước ta có tình trạng người dân trốn từ vùng dịch về mà không khai báo y tế. Vì thế, dịp nghỉ lễ này, gia đình tôi sẽ không đi du lịch mà ở nhà để đảm bảo an toàn.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trịnh Văn Quyến, Phó Giám đốc Bến xe khách trung tâm T.P Thái Nguyên cho biết: Để đảm bảo phòng, chống dịch, chúng tôi đã đề nghị các nhà xe vệ sinh phương tiện sạch sẽ; yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách đi xe đều phải đeo khẩu trang đúng cách. Đồng thời, trang bị dung dịch sát khuẩn đặt tại nơi bán vé, chỗ thu ngân nhưng việc chấp hành lại phụ thuộc vào ý thức của người dân.
Không giống các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng ăn uống, tại các bệnh viện như: Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Quốc tế, Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên… việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khai báo y tế vẫn được tiến hành thường xuyên. Ngay từ cổng vào các bệnh viện đã có lực lượng bảo vệ đo thân nhiệt, bên trong khu vực khám bệnh có phòng khai báo y tế. 100% bệnh nhân và người nhà phải đeo khẩu trang mới được vào viện.
Như vậy, có thể thấy, bên cạnh một số cơ quan, đơn vị, người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 thì vẫn còn nhiều người chủ quan. Trước diễn biến phức tạp tình hình dịch, ngày 27-4, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống. Bởi thế, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành chức năng, mỗi gia đình, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.