Mùa Hè, nhiều dịch bệnh rất dễ bùng phát như chân tay miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy… Dịp Hè năm 2020, toàn tỉnh đã có 74 ca mắc sốt xuất huyết, 406 ca mắc bệnh chân tay miệng và không ít trường hợp mắc tiêu chảy (nhưng phần lớn tự điều trị tại nhà). Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc phòng, chống các dịch bệnh dễ bùng phát trong mùa Hè.
Bà Nguyễn Thị Lan, thị trấn Đu (Phú Lương) cho hay: Cháu tôi bị lây bệnh chân tay miệng khi đi học ở trường mầm non. Cũng may, gia đình phát hiện kịp thời nên chỉ hơn hai tuần điều trị, đến nay, bệnh của cháu đã khỏi hẳn.
Chân tay miệng là loại loại bệnh nhiễm trùng do virus Coxsackievirus A16, Coxsackievirus B, Enterovirus (E71, E68) gây ra. Những loại virus này thường tồn tại trong đường tiêu hóa và lây từ người này sang người khác thông qua những tiếp xúc thông thường. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bởi lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa được phát triển toàn diện, khả năng chống lại sự xâm nhập của các loại virus gây bệnh không tốt, dễ mắc bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ CKII Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết: Bệnh tay chân miệng có nhiều dạng khác nhau, có loại có thể tự khỏi nhưng cũng có dạng bệnh gây biến chứng nghiêm trọng, dễ dẫn đến tử vong. Do đó, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn như biến chứng thần kinh như viêm não, viêm thân não, viêm màng não. Trẻ có thể bị rung giật cơ, giật mình chới với trong khoảng vài giây, trong đó chủ yếu gặp ở chân tay. Tình trạng ngủ gà, loạng choạng, run chi. Các chi bị yếu hoặc liệt. Với những dấu hiệu nặng, trẻ có thể co giật hoặc hôn mê. Ngoài ra, còn có những biến chứng tim mạch hoặc hô hấp bao gồm tình trạng viêm cơ tim, tăng huyết áp, trụy mắt, tang huyết áp…
Bên cạnh chân tay miệng, sốt xuất huyết cũng là nỗi ám ảnh của không ít người dân. Bà Nguyễn Thị Thúy, một người dân ở xã Quân Chu (Đại Từ) nói: Mùa Hè năm ngoái, tôi đã mắc sốt xuất huyết. Suốt mấy ngày tôi bị sốt cao, đau mỏi các cơ và khớp, da niêm sung huyết, nhức đầu dữ dội, đau sau mắt và rất buồn nôn. Hơn một tuần trời, tôi hầu như không ăn uống được gì, người gầy rộc đi.
Trên thực tế, sốt xuất huyết là bệnh phổ biến, dễ bùng phát vào mùa mưa. Triệu chứng của bệnh dễ nhầm sang sốt virus thông thường. Chính điều này mà làm cho người bệnh chủ quan, lơ là. Nếu không được điều trị sớm, người mắc sốt xuất huyết có nguy cao đối mặt với những biến chứng cực kỳ nghiêm trọng, có thể dẫn tới tử vong.
Ngoài ra, tiêu chảy cũng là một loại bệnh khá phổ biến trong mùa Hè. Vào thời điểm thời tiết nắng nóng kéo dài, thức ăn không được bảo quản đúng cách, bị ôi thiu chính là nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp không được điều trị đúng cách, kịp thời, bệnh cũng có thể gây tử vong.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Để phòng, chống dịch bệnh mùa Hè, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, phát quang bụi rậm quanh nhà để hạn chế muỗi, côn trùng phát sinh; ăn chín, uống sôi; chăm chỉ rèn luyện thể thao để nâng cao sức khỏe…
Về phía ngành Y tế, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Hè, ngay từ đầu năm, lực lượng y tế cơ sở từ huyện (thành phố, thị xã) đến xã (phường, thị trấn) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguy cơ, triệu chứng và cách phòng, chống những bệnh truyền nhiễm trong mùa hè thông qua các buổi họp thôn, xóm, bản; qua các cụm loa truyền thanh hoặc tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn huy động tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn người dân tránh tiếp xúc với người ở vùng dịch bệnh trở về địa phương.
Đặc biệt, lực lượng y tế cơ sở cũng đã khuyến cáo: Khi địa phương xuất hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm, bà con hạn chế giao lưu, tập trung chỗ đông người; chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh như tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch; bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước; thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.