Một trong những giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là việc các trường nghề và trung tâm giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là trường nghề) tổ chức đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên (HSSV) tự tin khởi nghiệp. Nhất là ở thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi lao động trẻ không chỉ sâu sắc về lý thuyết, mà phải giỏi thực hành nghề. Đây chính là chất xúc tác tạo nên sự gắn kết giữa doanh nghiệp và trường nghề; đồng thời tạo nên một xâu chuỗi liên kết chặt chẽ giữa giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH tâm đắc: Sự gắn kết hiệu quả mang lại lợi ích kép cho cả bên sử dụng lao động và trường nghề. Quá trình hợp tác, giữa trường nghề và doanh nghiệp ví như 2 đường ray cho con tàu chuyển bánh.
Trường nghề tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp - ngoài hỗ trợ kinh phí đào tạo, còn trực tiếp tham gia tư vấn, xây dựng chương trình đào tạo cùng trường nghề. Tư vấn cho trường nghề về các yêu cầu đào tạo của doanh nghiệp về khối lượng kiến thức cũng như các xu hướng mới của thị trường lao động. Từ đó, trường nghề có căn cứ để xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, định hướng đào tạo.
Việc doanh nghiệp tiếp nhận HSSV đến thực hành nghề tạo cơ hội cho các em được vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học và hòa nhập tốt với môi trường làm việc. Tại môi trường lao động thực tế, các em được tiếp cận, làm quen với hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại. Kết quả của sự gắn kết, phối hợp đào tạo giữa trường nghề và doanh nghiệp trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mang lại lợi ích cho các bên.
Quan trọng là doanh nghiệp có được đội ngũ lao động tạo ngay được sản phẩm mà không phải đào tạo, hoặc đào tạo lại. Việc này Đại tá, Tiến sĩ Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 1 (Bộ Quốc phòng) cho biết: Giai đoạn 2019-2020, đơn vị đã ký hợp đồng hợp tác tuyển dụng với 117 doanh nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức 2 hội nghị, hội thảo gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm giữa đơn vị với doanh nghiệp. Hiện đơn vị đã tổ chức ký kết phối hợp đào tạo và tuyển dụng với 85 doanh nghiệp; phối hợp đưa hơn 1.800 học sinh, sinh viên đi thực tập, đào tạo thực tế tại doanh nghiệp; đồng thời tổ chức tuyển sinh, đào tạo 216 chỉ tiêu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Hiện trên địa bàn của tỉnh có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 13 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập và 17 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong tổng số 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 37 cơ sở công lập; 13 cơ sở ngoài công lập. 15 cơ sở do Trung ương quản lý, 35 cơ sở do địa phương quản lý. Quy mô tuyển sinh hơn 45.000 người/năm. Về cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo đã từng bước được nâng cao, đáp ứng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - TBXH: Hiện các trường nghề đứng chân trên địa bàn tỉnh hợp tác gắn kết với gần 200 doanh nghiệp trong, ngoài nước. Kết quả 2 năm gần đây, các trường nghề đã thực hiện đào tạo hơn 4.300 lao động theo đơn đặt hàng; hơn 3.900 lao động sau đào tạo nghề được các doanh nghiệp tuyển dụng, đạt gần 91%. Các doanh nghiệp gắn kết cũng đã Tổ chức tiếp nhận gần 5.000 HSSV đến thực hành nghề.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: Đến nay, Trường đã có ký kết, hợp tác với 52 doanh nghiệp, trong đó 46 doanh nghiệp trong nước và 6 doanh nghiệp nước ngoài vốn FDI. Đặc biệt như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã ký kết và triển khai hợp tác từ năm 2014 về đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực với quy mô tuyển sinh hằng năm từ 500 đến 600 sinh viên, quy mô đào tạo 1.200-1.500 sinh viên, bảo đảm 100% sinh viên sau đào tạo có việc làm tại SEVT...
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Nhiều trường nghề nhận đào tạo theo đề nghị hợp tác của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao như: Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên), Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức; Trường Cao đẳng Cơ khí Luyện Kim, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú... Nhằm bảo đảm nhu cầu có việc làm ngay sau tốt nghiệp của HSSV, hầu hết các trường nghề đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện khảo sát, nắm bắt thông tin về nhu cầu sử dụng lao động, từ đó xây dựng được kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với từng giai đoạn.
Đến nay, hầu hết các trường nghề đã ký biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc đưa HSSV đến thực tập nghề và phối hợp giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp. Đặc biệt, liên tục trong thời gian 10 năm gần đây, 100% trường nghề của tỉnh đều tham gia đào tạo các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp theo Đề án Đào tạo nghề của Chính phủ. Đồng thời phối hợp gắn kết với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để bố trí việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo.
Nếu như trước đây HSSV khi ra trường còn tự ti vì thiếu thực tế, chưa biết mình đi đâu, về đâu thì những năm gần đây, trong “Giáo dục nghề nghiệp - thực học, thực hành” không chỉ dừng lại... ở khẩu hiệu, mà được vận dụng linh hoạt thông qua gắn kết giữa đơn vị đào tạo nghề và doanh nghiệp.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, ông Nguyễn Đức Sinh đúc kết: Gắn kết hợp tác giữa trường nghề và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho tất cả các bên: Nhờ doanh nghiệp, Trường nghề có môi trường thực hành tốt nhất cho HSSV. Theo đó HSSV được tiếp cận với môi trường sản xuất thực tế, dần hình thành nên tác phong công nghiệp và có kỹ năng giao tiếp tự tin hơn. Còn với doanh nghiệp, “họ” không phải mất nhiều chi phí cho tuyển dụng, đào tạo và thử việc. Doanh nghiệp lựa chọn được lao động phù hợp với vị trí việc làm, bài toán về nguồn nhân lực không còn là đáp án khó.
Gắn kết doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm - Một xu hướng tất yếu, phù hợp với sự vận động, phát triển của thời đại công nghệ 4.0 và hội nhập kinh tế thế giới. Hơn thế, sự gắn kết tạo cho trường nghề một chỗ đứng chắc chắn - Còn doanh nghiệp có đội ngũ thợ lành nghề, làm ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong ngoài nước.