Các chuyên gia, nhà vật lý trị liệu, bác sĩ và nhân viên điều dưỡng trong các khu chăm sóc đặc biệt (ICU) từ 30 bệnh viện khác nhau tại Australia vừa tiến hành nghiên cứu về di chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với những bệnh nhân nặng đã hồi phục từ 6-12 tháng. Kết quả cho thấy 70% số bệnh nhân này đang gặp các vấn đề khác nhau.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét bệnh án, phỏng vấn 200 bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng đã được xác định khỏi bệnh để tìm hiểu xem có "di chứng đặc biệt và kéo dài" nào khác biệt rõ rệt so với các bệnh thông thường hay không.
Giáo sư Carol Hodgson thuộc Đại học Monash và là nhà vật lý trị liệu thuộc ICU tại Bệnh viện The Alfred ở thành phố Melbourne cho biết nhóm nghiên cứu vừa hoàn thành quá trình theo dõi và các kết quả ban đầu cho thấy khoảng 30% số bệnh nhân trên không có bất kỳ di chứng nào 6 tháng sau khi khỏi bệnh. 70% còn lại cho biết họ có các triệu chứng như khó thở nhẹ và suy nhược, một số ít có triệu chứng ho dai dẳng, nhức đầu hoặc mất vị giác và khứu giác. Theo Giáo sư Hodgson, trong số bệnh nhân COVID-19 nói trên, những người có bệnh lý nền có nhiều di chứng hơn.
Một trong những chuyên gia chính trong nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Joseph Doyle thuộc Viện Nghiên cứu Burnet (thành phố Melbourne) khẳng định chắc chắn một số bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh có các di chứng như suy nhược, mệt mỏi kéo dài. Một số trường hợp bệnh nặng có thể có các di chứng như mệt mỏi mạn tính.
Tiến sĩ Doyle nhấn mạnh COVID-19 "nghiêm trọng hơn nhiều" so với bệnh cúm vì cả những triệu chứng khi mắc bệnh và các tác động tiềm ẩn lâu dài. COVID-19 có thể dẫn tới tử vong hoặc phải cần đến sự trợ giúp y tế cao hơn nhiều so với bệnh cúm thông thường. Tuy nhiên, những người mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ gần như không để lại di chứng lâu dài và có thể bình phục hoàn toàn.
Theo Tiến sĩ Doyle, COVID-19 chủ yếu gây nhiễm trùng phổi nên có nguy cơ gây tổn thương phổi và chưa thể chắc chắn về thời gian hoặc khả năng bình phục hoàn toàn của người bệnh. Đối với một số bệnh nhân nặng, hệ thống miễn dịch của họ phải hoạt động quá mức, có nghĩa là không phân biệt được tế bào bình thường và nhiễm trùng, từ đó, có thể xuất hiện các cục máu đông có thể khiến người bệnh bị đau tim, kéo theo nguy cơ đột quỵ và những căn bệnh này cũng có thể để lại hậu quả lâu dài.
Một vấn đề khác đối với những người mắc COVID-19 nặng là phải ở lại ICU quá lâu. Giáo sư Hodgson cho biết đa số những người bệnh cần đến sự trợ giúp của máy thở hoặc cần điều trị trong ICU phải điều trị tích cực 2 tuần. Vấn đề sẽ xảy ra khi các tế bào của cơ thể giải phóng một loại protein có tên là cytokine, gây ra tình trạng viêm và phân hủy protein trong cơ khi người bệnh phải nằm quá lâu trên giường. Theo bà Hodgson, sự suy giảm cơ này có thể kéo dài đến 5 năm ở một số bệnh nhân.
Đối với sức khỏe tâm thần, Giáo sư Hodgson cho biết cho đến nay, các triệu chứng được báo cáo trong nghiên cứu chủ yếu là sức khỏe thể chất (như mệt mỏi và suy nhược) hơn là tâm lý. Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu sơ bộ, bà Hodgson cho biết tỷ lệ lo âu và trầm cảm ở bệnh nhân COVID-19 thấp hơn 20%, ngang bằng với những bệnh nhân hồi phục sau khi mắc các bệnh hiểm nghèo khác.
Đây là báo cáo đầu tiên do các chuyên gia Australia thực hiện nghiên cứu về tác động lâu dài của COVID-19.
Một nghiên cứu của Thụy Điển cho thấy 15% những người mắc COVID-19 nhẹ vẫn có các triệu chứng trong ít nhất 8 tháng kể từ khi nhiễm bệnh. Một nghiên cứu khác tại Mỹ cho thấy những người mắc COVID-19 cần đến sự trợ giúp y tế dù đã khỏi bệnh nhưng một thời gian sau đó nhiều khả năng vẫn gặp các vấn đề về hô hấp, rối loạn hệ thần kinh, các vấn đề sức khỏe tâm thần, mệt mỏi.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh điều tốt nhất để ngăn chặn tác động của COVID-19 là tiêm vaccine phòng bệnh và thực hiện các biện pháp phòng tránh để không bị mắc bệnh.