Những “chiến binh” thầm lặng

08:54, 27/05/2021

Vừa phải hoàn thành công tác chuyên môn, vừa tham gia điều tra, truy vết những trường hợp liên quan đến các ca bệnh, điểm, ổ dịch COVID-19 nhưng hơn 1 năm nay, 28 thành viên ở 4 đội phản ứng nhanh của Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên vẫn nỗ lực hết mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với những “chiến binh” thầm lặng, công việc truy vết dẫu có vất vả nhưng lại góp phần khoanh vùng, dập dịch, mang lại sự an toàn cho xã hội và người dân.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, hoạt động điều tra, truy vết trên địa bàn thành phố Thái Nguyên căn cứ vào các thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh; qua khai báo y tế của người dân tại các trạm y tế; qua quá trình rà soát của 385 tổ truy vết cộng đồng ở các xóm, tổ dân phố trên địa bàn. Bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên nói: Khi có thông tin về dấu hiệu dịch tễ, chúng tôi nhanh chóng giao việc cho các đội phản ứng nhanh để họ lập tức phối hợp với các địa phương, y tế cơ sở điều tra, nắm thông tin, truy vết, lấy mẫu, xâu chuỗi. Từ đó kịp thời đưa ra các phương án phòng, chống dịch hiệu quả.

Luôn bận rộn ở cơ sở, những ngày qua, các thành viên của Đội phản ứng nhanh phải làm việc với cường độ công việc lớn. Bác sĩ Lê Quang Huy, thành viên của Đội phản ứng nhanh cho chúng tôi biết: Hơn chục ngày qua, số ca bệnh trong nước không ngừng tăng, đồng nghĩa với việc số người dân trong tỉnh liên quan đến các ca bệnh, điểm, ổ dịch sẽ tăng lên, khiến công việc của chúng tôi càng thêm bận rộn. Cách đây chưa đầy 30 phút, chúng tôi nhận được thông tin đã truy vết được 4 trường hợp F1 (liên quan đến ca bệnh ở Bắc Giang theo thông báo của Bộ Y tế). Do đó, mọi người phải đến tận nhà dân để điều tra, truy vết các trường hợp liên quan và đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung.

Theo chia sẻ của các cán bộ làm công tác truy vết, trong 4 làn sóng dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, lần thứ 4 này, Thái Nguyên có số người liên quan đến các ca bệnh, điểm, ổ dịch tăng đột biến. Đến nay, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã có trên 5.000 người liên quan đến các ca bệnh, điểm, ổ dịch, tăng gấp 3 lần so với ba đợt dịch trước gộp lại. Vì thế, không kể ngày hay đêm, họ luôn trong trạng thái sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ trong ngày. Từ ngày 29-4 đến nay, mọi người hầu như không có ngày nghỉ và rất nhiều buổi phải thực hiện nhiệm vụ xuyên đêm.

Đơn cử như việc truy vết 5 trường hợp F1 (liên quan đến ca bệnh theo thông báo của Bộ Y tế, trú tại phường Thịnh Đán vào giữa tháng 5 vừa qua), các cán bộ làm công tác truy vết đã tiếp nhận thông tin từ trạm y tế và lên đường làm nhiệm vụ từ lúc 19 giờ. Thời điểm ấy, nhiều người con chưa kịp ăn bữa cơm tối. Khi tới hiện trường, lực lượng truy vết đã rà soát các trường hợp liên quan (F1, F2, F3), phun thuốc khử khuẩn quanh khu vực nhà ở của các trường hợp này, lấy mẫu xét nghiệm… và cuối cùng là đưa các trường hợp F1 đến khu cách ly tập trung. Họ hoàn tất công việc khi đã quá nửa đêm nhưng không ai nản lòng bởi mọi người đều hiểu được tầm quan trọng của việc truy vết. Đó là càng phát hiện sớm những trường hợp liên quan đến các ca bệnh, điểm, ổ dịch thì dịch bệnh càng được ngăn chặn sớm…

Thường xuyên phải tiếp xúc với các trường hợp F1 nguy cơ cao với dịch bệnh để nắm thông tin nhưng ai cũng bày tỏ sự quyết tâm và trách nhiệm với công việc và họ không coi đó là khó khăn, vất vả. Bác sĩ Lưu Văn Thuyên, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, người phụ trách chính trong công tác điều tra, truy vết ở Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên cho hay: Lực lượng mỏng là một trong những trở ngại lớn của chúng tôi. Dù vậy, chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là thái độ hợp tác của người dân. Có nhiều trường hợp, khi được xác định là F1, phải đi cách ly tập trung nhưng họ chưa chịu chấp hành ngay mà vẫn tìm mọi lý do thoái thác. Ví như hơn 10 trường hợp F1 thuộc phường Phan Đình Phùng, liên quan đến một ca bệnh ở Đà Nẵng. Đây là những trường hợp được phát hiện thông qua khai báo y tế tại địa phương. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến nơi, họ vẫn đưa ra hàng loạt các thắc mắc nên chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian để giải thích, tuyên truyền, thuyết phục. Vì thế, sau 5 giờ đồng hồ, từ 19 giờ ngày 2-5 đến 0 giờ ngày hôm sau, chúng tôi mới hoàn thành được mọi phần việc và đưa họ đến khu cách ly tập trung. Trở về nhà vào lúc nửa đêm, dù rất mệt chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã phát hiện được các ca F1 kịp thời.

Những ngày tháng 5, Thái Nguyên bắt đầu bước vào mùa nắng nóng. Những người làm công tác truy vết phải mặc đồ bảo hộ để khai thác thông tin, lịch trình đi lại của các trường hợp F1, F2; lấy mẫu xét nghiệm… mồ hôi túa ra như tắm. Anh Tuyên nói: Những ngày này, nhiều anh, em đuối sức, mất nước do mặc đồ bảo hộ đứng dưới nắng nhưng chúng tôi luôn động viên nhau vững vàng, tiếp tục chạy như thoi.

Sẻ chia với những người làm công tác truy vết, chúng tôi thầm mong dịch COVID-19 ở nước ta sẽ nhanh chóng được kiểm soát, để những người làm công tác điều tra, truy vết ở thành phố Thái Nguyên nói riêng, trên địa bàn toàn tỉnh nói chung không còn phải khoác những bộ đồ chống dịch kín mít, nóng nực; hằng ngày phải chạy đi, chạy lại như con thoi nữa. Và chúng tôi cũng mong, người dân hiểu được những vất vả của lực lượng truy vết, để từ đó có ý thức hợp tác trong khai báo y tế, lịch trình đi lại đầy đủ, giúp lực lượng chức năng sớm khoanh vùng, dập dịch hiệu quả.