Trong những năm gần đây, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện mặc dù đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, ấn tượng, nhưng so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo.
Đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện
Sau gần 13 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện, nhất là từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt hơn 277 nghìn người. Nhưng chỉ riêng trong năm 2019, số người tham gia đã đạt gần 574 nghìn người; trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại. Đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,128 triệu người (tăng 554 nghìn người, gấp hơn hai lần so năm 2019; đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư)...
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, với mục tiêu phấn đấu để ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 là nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động thuộc khu vực phi chính thức đều được tham gia BHXH. Những năm gần đây, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, ấn tượng, nhưng so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Vì vậy, BHXH Việt Nam đã có đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là với những người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo sẽ tạo điều kiện giúp họ có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, góp phần hoàn thiện mục tiêu BHXH toàn dân, để mọi người dân đều được tham gia vào mạng lưới an sinh và có chính sách BHXH chia sẻ, bảo đảm cuộc sống khi về già.
Theo đó, thực hiện kiến nghị của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Văn bản số 2602/UBVĐXH14 ngày 18-3-2020 về giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH, BHXH Việt Nam đã có đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Đồng thời, BHXH Việt Nam gửi Công văn số 1180/BHXH-TST đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục báo cáo, trình Chính phủ sửa Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, theo hướng tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo mức đề xuất nêu trên.
Để người dân tham gia một cách tự nguyện
Có thể thấy, BHXH tự nguyện là chính sách mang tính ưu việt của Đảng và Nhà nước dành cho lao động khu vực phi chính thức. Lý giải việc BHXH tự nguyện vẫn chưa thật sự hấp dẫn đối với người dân, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, người dân vẫn so sánh BHXH bắt buộc có năm chế độ (gồm: ba chế độ ngắn hạn và hai chế độ dài hạn), trong khi đó BHXH tự nguyện chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Người dân không hiểu hết bởi để được hưởng năm chế độ là do người lao động tham gia BHXH bắt buộc đóng cả năm chế độ; còn tham gia BHXH tự nguyện người dân chỉ đóng hai chế độ (đóng 22%). Sự so sánh này khập khiễng bởi khi thiết kế Luật BHXH, Chính phủ chỉ hỗ trợ 30% cho hộ nghèo, 25% cho cận nghèo và 10% cho các hộ khác. Tôi đã từng đề nghị mở rộng BHXH tự nguyện phải đẩy nhanh thông qua “kích cầu” của Nhà nước; đầu tiên hỗ trợ cao để mở rộng diện tham gia, sau đó mới thu hẹp dần mức hỗ trợ. Khi chúng ta chi hỗ trợ trước cho người dân tham gia chính sách BHXH tự nguyện, thì sau này chúng ta không phải chi tiền trợ cấp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi…, đây là bài toán rất đầy đủ nhưng chúng ta chưa tính toán hết. Ngoài ra, cần điều chỉnh chính sách hưởng BHXH tự nguyện như “nhập” bảo hiểm y tế (BHYT) với BHXH tự nguyện để người dân chỉ cần mua BHXH tự nguyện, đương nhiên sẽ có BHYT. Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi nếu không có chế độ khi nghỉ sinh thì Nhà nước hỗ trợ hai triệu đồng/người. Ốm đau, thai sản chúng ta đưa tiếp vào BHXH tự nguyện nhằm kích thích người dân tham gia và để khi về hưu không chỉ được lương hưu của BHXH tự nguyện mà còn có thẻ BHYT- mấu chốt cơ bản quyết định sức hấp dẫn của BHXH tự nguyện...
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng đánh giá cao việc BHXH Việt Nam đang đi đúng hướng, đúng trọng tâm, đang có cách làm đúng với việc phát triển BHXH tự nguyện, trong công tác kiến nghị, sửa đổi chính sách và nhất là trong công tác truyền thông thực hiện theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, trong đó lấy tháng 5 là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, nhằm thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH; tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân...
Theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, bước sang năm thứ hai triển khai Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến công tác truyền thông về BHXH, BHYT. Đây vừa là thách thức, vừa là điều kiện thuận lợi để ngành BHXH Việt Nam vào cuộc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong thời gian qua, người dân đã bắt đầu nhận thức rõ hơn vai trò của chính sách BHXH, BHYT. Cùng với những bài học kinh nghiệm và điểm sáng trong phát triển BHXH tự nguyện của năm 2020, ngành BHXH Việt Nam sẽ triển khai và thực hiện Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân năm 2021 với tinh thần chủ động, hiệu quả hơn.