Do thường xuyên phải thực hiện giao hàng cho đối tác ở tỉnh Vĩnh Phúc nên một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã và đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra một số khó khăn cho hoạt động sản xuất của các đơn vị. Trước thực trạng này, tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Công ty CP Phụ tùng Máy số 1, ở phường Mỏ Chè (T.P Sông Công) chuyên sản xuất phụ tùng xe máy, máy nông nghiệp và một số sản phẩm cơ khí khác, với trên 1.100 công nhân, người lao động. Xác định phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả mới duy trì sản xuất kinh doanh ổn định nên thời gian qua, Công ty đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Theo công văn số 1436/SYT-NVY ngày 5/5/2021 của Sở Y tế thì đối với người đến từ hay đi qua các địa phương khác về tỉnh Thái Nguyên mà thuộc vùng III thì phải thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày, xét nghiệm chọn lọc theo chỉ định (hoặc tự nguyện xét nghiệm dịch vụ). Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Công ty chia sẻ: Chúng tôi luôn nêu cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch để hoạt động sản xuất của đơn vị ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, với việc cách ly như vậy, Công ty sẽ không có người để thực hiện giao hàng hằng ngày, dẫn tới phải dừng sản xuất (hàng ngày, công nhân giao hàng của Công ty thực hiện giao hàng cho một số đối tác ở tỉnh Vĩnh Phúc). Điều này đồng nghĩa toàn bộ người lao động của Công ty sẽ phải nghỉ việc trong vài ngày tới. Không những thế, khi Công ty không giao hàng được cho các đối tác thì có tới hàng trăm công ty (với trên 100.000 lao động) cung cấp linh kiện cho Công ty Honda cũng phải dừng sản xuất theo.
Cũng như Công ty CP Phụ tùng Máy số 1, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công, ở phường Châu Sơn (T.P Sông Công) cũng gặp phải khó khăn tương tự. Chính vì vậy, Công ty đã có công văn gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 T.P Sông Công không áp dụng biện pháp cách ly tại nhà đối với những công nhân giao hàng cho đối tác tại tỉnh Vĩnh Phúc (trừ những trường hợp người giao hàng có tiếp xúc với các trường hợp được xác định là F1 tại công ty đối tác)…
Trước kiến nghị của Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công và một số doanh nghiệp trên địa bàn liên quan đến nội dung này, ngày 14/5/2021, Sở Y tế Thái Nguyên đã có công văn yêu cầu các Công ty, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp có tổ chức thực hiện vận chuyển hàng hóa đến các địa phương có dịch phải xây dựng phương án chi tiết về hoạt động vận chuyển hàng hóa đến địa phương có dịch và ngược lại; trước khi giao hàng, lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm cử người đi giao hàng đến trung tâm y tế trình phương án, thông báo lịch trình di chuyển, làm việc tại nơi đến, cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch từ khi đi đến khi quay về cơ quan, đơn vị; trong quá trình vận chuyển yêu cầu lái xe và người giao hàng mặc trang phục phòng, chống dịch, không dừng đỗ trên đường di chuyển (trừ trường hợp thật sự cần thiết); đến nơi giao hàng hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khi phải tiếp xúc, thường xuyên khử khuẩn tay, cabin xe; yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; người vận chuyển hàng hóa sau khi trở về địa phương phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, đồng thời tự theo dõi sức khỏe 14 ngày kể từ ngày quay lại công ty, đơn vị, cam kết thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; lãnh đạo đơn vị…
Có thể nói, với sự vào cuộc nhanh chóng của ngành Y tế đã góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thường xuyên phải giao hàng cho đối tác ở những tỉnh có trường hợp bị mắc COVID-19. Cùng với đó, các doanh nghiệp và người được giao nhiệm vụ giao hàng cũng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; nêu cao ý thức, trách nhiệm vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng.