Thế giới ghi nhận 156,1 triệu ca mắc, 3,2 triệu ca tử vong do COVID-19

09:23, 07/05/2021

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 6-5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 156.139.166 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 3.260.014 ca tử vong. Hơn 133,55 triệu bệnh nhân đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 19,32 triệu bệnh nhân đang điều trị.

Tại Đông Nam Á, từ sáng 6-5, Campuchia đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao tiếp giáp thủ đô.

Theo đó, người dân đã được phép đi lại bình thường trong khi một số ít hoạt động kinh doanh theo quy định vẫn tạm thời đóng cửa. Hiện công nhân ở các nhà máy thuộc Phnom Penh và tỉnh Kandal được phép đi làm việc luân phiên 2 tuần/tháng, với 50% số lao động làm việc trong 2 tuần đầu tiên của tháng và 50% làm việc trong 2 tuần tiếp theo. Những nhà máy đã có 80% công nhân  tiêm vaccine ngừa COVID-19 (dù là mũi đầu tiên) không phải áp dụng quy định làm việc luân phiên này, nhưng phải duy trì những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Báo cáo trong ngày 6-5 của Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 650 ca mắc mới COVID-19. Hiện Campuchia có tổng cộng 17.621 ca mắc với 6.843 trường hợp đã bình phục và 114 ca tử vong. Tính đến ngày 6-5, hơn 1,5 triệu người, tương đương 15% dân số Campuchia, đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Bộ Y tế Lào cho biết nước này đã có thêm 105 ca mắc mới, đánh dấu lần thứ 3 kể từ khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 dịch COVID-19 bùng phát tại Lào, số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ ở mức 3 con số.

Tại 2 thành phố lớn nhất của Lào là thủ đô Viêng Chăn và Champasak, số ca mắc mới tiếp tục ổn định lần lượt ở mức 15 và 12 ca, trong khi tình hình tại Bokeo - tỉnh miền Bắc giáp giới với Trung Quốc - tiếp tục phức tạp với số ca mắc mới có xu hướng tăng và đang có nguy cơ trở thành điểm nóng dịch bệnh mới tại Lào, với 72 ca. Đáng chú ý, toàn bộ các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng. Ủy ban Quốc gia phòng, chống COVID-19 của Lào cho biết đến nay nước này đã tiêm vaccine cho tổng cộng gần 390.000 người, trong đó có gần 79.000 người đã tiêm đủ liều 2 mũi. Tính tới chiều 6/5, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.177 ca mắc COVID-19, trong đó có 61 ca là người Việt. Hiện Lào đã chữa khỏi cho 101 bệnh nhân và là một trong số ít quốc gia trên thế giới chưa có bệnh nhân nào tử vong do COVID-19.

Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte yêu cầu cảnh sát bắt giữ những người không đeo khẩu trang đúng quy cách, ví dụ như không đeo khẩu trang kín mũi. Chỉ thị trên được đưa ra sau cuộc họp giữa ông Duterte và lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang chật vật đối phó với số ca mắc mới gia tăng.

Kể từ cuối tháng 3 vừa qua, hàng nghìn người dân Philippines đã bị phạt do vi phạm các quy định phòng chống COVID-19, khi nhà chức trách siết chặt hạn chế ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận do số ca nhiễm mới gia tăng. Hiện Philippines là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Theo trang thống kê worldometers, tính đến nay, Philippines ghi nhận tổng cộng 1.073.555 ca mắc COVID-19, trong đó có 17.800 ca tử vong.

Brunei ghi nhận tròn một năm không ghi nhận ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Sau khi xác nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên ngày 9/3/2020, Brunei duy trì biện pháp kiểm soát biên giới cũng như các quy định đi lại chặt chẽ để ngăn virus SARS-CoV-2 xâm nhập dù số du khách nước ngoài đến quốc gia Đông Nam Á này giảm mạnh. Chính quyền Brunei cũng áp đặt nghiêm ngặt lệnh cấm tụ tập đông người, thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi tiếp xúc dựa vào công nghệ để ngăn lây nhiễm trong cộng đồng. Từ ngày 3-4 vừa qua, chính phủ khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia. Tính đến ngày 5/5, đã có 17.776 người tại quốc gia 450.000 dân này được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Dù đã trải qua 365 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng Brunei vẫn phát hiện một số ca mắc mới nhập cảnh nước này. Đến nay, Brunei có tổng cộng 228 ca mắc, trong đó có 219 người đã bình phục, 3 ca không qua khỏi.

Tại Ấn Độ, nhà virus học, Tiến sĩ Gagandeep Kang, đánh giá chiều hướng gia tăng các ca nhiễm hiện nay ở quốc gia Nam Á này có thể bắt đầu giảm dần từ giữa đến cuối tháng 5. Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến, Tiến sĩ Kang nói rõ các dự đoán từ một số mô hình phân tích dịch tễ cho thấy số bệnh nhân nhiễm mới có thể giảm dần vào khoảng giữa và cuối tháng 5. Một số mô hình dự báo làn sóng dịch thứ hai sẽ lắng xuống vào đầu tháng 6 tới.

Thông tin cập nhật sáng 6-5 của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận hơn 412.000 ca nhiễm mới COVID-19  và thêm 3.980 ca tử vong. Đây đều là các mức tăng kỷ lục theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đưa tổng số ca bệnh tại Ấn Độ lên hơn 21,07 triệu ca, trong đó có 230.168 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia y tế, con số thực tế có thể còn cao gấp từ 5 đến 10 lần. Hiện tác động của dịch bệnh đã được cảm nhận rõ ở các bang miền Nam Ấn Độ như Karnataka, Kerala và Tamil Nadu, với số ca nhiễm mới tăng đột biến, vượt qua những mức đỉnh điểm trong làn sóng đầu tiên.

Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ thông báo tiến hành chiến dịch Samudra Setu II (Cầu Đại dương II) để vận chuyển các thiết bị và nguồn cung y tế cần thiết từ các nước hỗ trợ Ấn Độ. Cụ thể, 9 tàu chiến hàng đầu của Hải quân Ấn Độ đã được triển khai tham gia chiến dịch trên. Các tàu này sẽ đến khu vực Tây Á và Đông Nam Á để vận chuyển các bình oxy lỏng, máy tạo oxy và các thiết bị y tế cần thiết khác về Ấn Độ.

Do dịch bệnh tại Ấn Độ diễn biến nghiêm trọng, một số nước láng giềng đã quyết định đóng của biên giới với nước này. Chính phủ Sri Lanka đã cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Ấn Độ bằng đường không trong bối cảnh nước này chứng kiến số ca bệnh tăng đột biến. Trong 24 giờ qua, Sri Lanka ghi nhận số ca tử vong trong một ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay với 14 ca và 1.939 ca nhiễm mới. Hai quốc gia láng giềng khác của Ấn Độ là Bangladesh và Nepal cũng đã cấm các chuyến bay với Ấn Độ và đóng cửa biên giới với quốc gia Nam Á này. Bangladesh đã tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 14-4 và đóng cửa biên giới Ấn Độ từ ngày 26-4. Nepal cũng đã tạm ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế cách đây 1 tuần cho đến ngày 14-5 tới. Chỉ có 2 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần đến Ấn Độ để đưa những công dân bị mắc kẹt về nước. Nhiều bệnh viện tại Nepal cũng đã chật cứng bệnh nhân sau khi số ca nhiễm mới đã tăng gấp 57 lần so với cùng thời điểm này của tháng trước. Ngay cả địa điểm nghỉ dưỡng hạng sang Maldives cũng đã tăng cường các biện pháp hạn chế đối với du khách Ấn Độ, yêu cầu phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh dù Ấn Độ là thị trường du lịch lớn nhất của Maldives.

Tại Hàn Quốc, các chuyên gia y tế cảnh báo các biến thể của virus sẽ là thách thức chính trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại nước này, nhấn mạnh việc ngăn chặn các biến thể được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn và kháng vaccine sẽ là yếu tố quyết định trong nỗ lực khống chế dịch bệnh. Hiện số ca nhiễm các biến thể của virus tiếp tục gia tăng tại Hàn Quốc, làm tăng thêm lo ngại cuộc chiến chống dịch bệnh này có thể trở nên khó khăn hơn. Tính đến ngày 2-5, Hàn Quốc đã phát hiện 632 ca nhiễm các biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn được phát hiện đầu tiên ở Brazil, Nam Phi và Anh. Cho đến nay tại Hàn Quốc cũng đã có hơn 30 ca nhiễm biến thể phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ.

Giới chức y tế Australia đang đẩy mạnh chiến dịch truy vết sau khi thành phố Sydney, bang New South Wales, phát hiện 2 ca mắc COVID-19. Đây là những ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng trong hơn một tháng qua tại đây. Trước tình hình này, Thủ hiến bang New South Wales, Gladys Berejiklian đã quyết định áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội bắt buộc tại Sydney và một số vùng lân cận, từ 17h ngày 6-5 (giờ địa phương) và trước mắt kéo dài đế ngày 10-5 tới. Giới chức New Zealand cũng thông báo tạm ngừng hoạt động đi lại miễn cách ly với bang New South Wales của Australia trong khi cơ quan chức năng bang nà điều tra nguồn lây nhiễm của 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 vừa được phát hiện tại Sydney.