Ngày 1-6 là Ngày Quốc tế Thiếu nhi trên toàn thế giới, một sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy việc bảo vệ, giáo dục, nâng cao sức khỏe và mang lại hạnh phúc cho trẻ em.
Vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), trẻ em không chỉ được nhận những lời chúc mừng mà còn được nhận nhiều món quà đặc biệt chứa đựng tình yêu thương vô bờ bến của của gia đình, cộng đồng và xã hội dành cho các em – những chủ nhân tương lai của thế giới.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi nhằm thu hút sự quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ, giáo dục, nâng cao sức khỏe và mang lại hạnh phúc cho trẻ em.
Ngày kỷ niệm này lấy cảm hứng từ một Hội nghị Thế giới được tổ chức tại Geneva năm 1925 về bảo vệ trẻ em. Và đến tháng 11/1949, Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hằng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc xã sát hại nhẫn tâm trước đó. Việc kỷ niệm ngày 1/6 cũng nhằm yêu cầu chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống của trẻ em, giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hằng năm trở thành ngày của thiếu nhi.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo và dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. (Ảnh: Khánh Linh)
Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em tại Việt Nam
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo và dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện. Pháp luật về quyền trẻ em, từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần đầu được Quốc hội thông qua năm 1991 - ngay sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước, tiếp tục được sửa đổi năm 2004, cho đến Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn các quyền và bổn phận của trẻ em, trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.
Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt các cấp địa phương, cơ sở đã nâng cao nhận thức và quan tâm về công tác trẻ em; thực hiện 25 quyền trẻ em theo quy định của pháp luật và chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em; hướng dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; thực hiện trách nhiệm phát hiện thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; giáo dục của nhà trường thực hiện việc cung cấp kiến thức pháp lý về chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ trẻ em.
Tại Việt Nam, nhiều cơ sở hạ tầng được thiết kế dành cho trẻ em, với mục đích trẻ em luôn được vui chơi, giải trí. Vì vậy, cho dù ở các thành phố lớn hay những nơi xa xôi hơn của đất nước, chúng ta vẫn thường thấy ở trung tâm luôn có các địa điểm hoặc công viên được trưng dụng thành sân chơi thường xuyên của trẻ nhỏ.
Ngay sau khi giành được độc lập, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và Tết Trung thu (15-8 âm lịch) hằng năm luôn là ngày hội của thiếu nhi cả nước ta.
Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay (1/6/2021) và kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 –15/5/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có Thư chúc mừng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc “thân ái gửi tới tổ chức Đội, các cháu thiếu niên, nhi đồng, các đồng chí cán bộ phụ trách thiếu niên, nhi đồng những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất”. Bức Thư có đoạn viết: “Tôi đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Đội vững mạnh, làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tôi cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh, quan tâm bảo đảm thực hiện tốt quyền và bổn phận của trẻ em, giúp các cháu phát triển toàn diện. Nhân dịp này, tôi gửi lời cảm ơn đến các đồng chí cán bộ phụ trách Đội, giáo viên làm tổng phụ trách Đội, những nỗ lực thầm lặng của các đồng chí trong sự nghiệp trồng người, đã giúp các thế hệ Đội viên trưởng thành, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Chúc tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh với nhiều tiến bộ mới, thành tích mới”.
Với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em - Bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh", Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 tập trung vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch; đồng thời hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ em trên toàn thế giới, nhất là nhóm trẻ em nghèo, trẻ em thuộc các nhóm thiểu số và ở các vùng xa xôi. Những thách thức nghiêm trọng này đòi hỏi tất cả các quốc gia và toàn xã hội phải nâng cao nhận thức, hành động bảo vệ quyền được sống trong môi trường lành mạnh và thúc đẩy chính sách bảo vệ quyền trẻ em theo Công ước về Quyền trẻ em./.