Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong 4 năm trở lại đây (2016-2020), có khoảng trên 1.300 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong số đó, đuối nước là một trong những tai nạn chủ yếu, tỷ lệ tử vong do đuối nước chiếm khoảng 70% tổng số trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Điều này đặt ra yêu cầu cho các địa phương cần có những giải pháp cụ thể, bám sát thực tế để phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Đầu tháng 5 vừa qua đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm tại hồ Phượng Hoàng, nạn nhân là em L.B.P, ở xóm 12, xã Cù Vân (Đại Từ). Em P. hiện đang là học sinh của Trường THPT Đại Từ. Theo những người có mặt tại hiện trường, do thời tiết nắng nóng nên chiều ngày 6-5, em P. có cùng một nhóm bạn tìm đến hồ Phượng Hoàng để bơi. Đến sẩm tối khi nhóm chuẩn bị bơi vào bờ thì phát hiện thiếu em P. Sau khi tìm kiếm không thấy, cả nhóm đã cho báo gia đình và chính quyền địa phương. Ngày hôm sau, em P. mới được tìm thấy khi đã tử vong vì đuối nước.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Từ cho biết: Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có 25 trẻ em, học sinh bị đuối nước. Nguyên nhân là trên địa bàn huyện có nhiều hồ, đập, khu vực nước sâu như hồ Phượng Hoàng, hồ Vai Miếu, suối Kẹm, Cửa Tử… Trong những ngày thời tiết nóng bức, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân tăng cao, song, các khu vui chơi, bể bơi lại chưa nhiều. Do đó các khu vực ao, hồ, sông, suối trở thành những địa điểm hấp dẫn thu hút người dân, trong đó chủ yếu là trẻ em, học sinh đến bơi lội, tắm mát. Trước thực trạng trên, huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát để cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vùng nước sâu, các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân không đến tắm hoặc bơi lội tại khu vực này, xây dựng phương án cứu nạn để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh để xảy ra tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã triển khai, hướng dẫn xây dựng các mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại 30/30 xã, thị trấn với hơn 50.000 hộ tham gia.
Trên thực tế, nguy cơ tai nạn đuối nước không chỉ tiềm ẩn ở riêng trường hợp, địa phương nào. Đối với huyện Phú Bình, 29km sông Cầu và 24km sông Đào chảy qua địa phận nhiều xã, thị trấn trong huyện, 100 công trình hồ đập lớn nhỏ, 38 trạm bơm, 28 suối, ngòi thoát lũ, trên 600km kênh tưới… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, đã có gần 20 trẻ em bị tử vong do đuối nước, trong đó nguyên nhân không chỉ do trẻ tự ý tắm, bơi ở sông, ao, hồ mà còn do các gia đình chủ quan, vô tình để trẻ gặp nạn. Đơn cử như trường hợp xảy ra tại xóm Tân Minh, xã Bàn Đạt vào năm 2019, cháu N.H.N (sinh năm 2010) trong lúc ngó xuống giếng xem cá đã bị ngã xuống khi đứng lên tấm prô-ximăng đậy trên miệng giếng bất ngờ bị vỡ. Bị va đập mạnh, chấn thương vùng đầu nên cháu bé tử vong ngay sau đó.
Trẻ em thường có xu hướng thích chơi với nước, nhất là vào thời điểm thời tiết nắng nóng trong mùa Hè. Khi vui chơi các em thường hành động theo suy nghĩ bột phát của mình, chưa nhận thức được việc bảo đảm an toàn cho bản thân và bạn bè, vì thế tai nạn xảy ra đối với trẻ em, học sinh là khó tránh khỏi. Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng đuối nước là do hiện nay, ở nhiều địa phương còn thiếu các sân chơi lành mạnh, khiến trẻ em từ nông thôn tới thành phố phải tìm đến ao, hồ, sông suối, các bãi tắm tự phát... để vui chơi, giải trí, trong khi còn thiếu hiểu biết về kỹ năng phòng tránh đuối nước, thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn.
Do vậy, cần thiết có những giải pháp đồng bộ, không chỉ từ phía chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, mà còn cần có sự quan tâm đúng mức từ phía các bậc phụ huynh, như: Chủ động bổ sung kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước; bổ sung kỹ năng sơ cứu; rèn luyện khả năng bơi lội cho trẻ; nhắc nhở con em mình không đến gần các khu vực nước sâu, ghềnh đá trơn trượt… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong việc tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, quản lý tốt các cơ sở, bể bơi tư nhân trên địa bàn để trẻ có môi trường vui chơi an toàn trong dịp Hè; rà soát lại địa hình, cảnh báo về những khu vực nguy hiểm, thông tin sâu rộng để người dân nắm rõ, cảnh giác… để phòng ngừa các tai nạn, nhất là tai nạn đuối nước.