Nhập ngũ khi mới tròn 19 tuổi, chàng trai trẻ Trần Đình Thi sinh ra, lớn lên ở xóm Chăn Nuôi, xã Vạn Thọ (Đại Từ) đã ra đi mãi mãi. Nhưng sau hơn 40 năm tìm kiếm đầy đủ những bằng chứng hy sinh vì Tổ quốc, đến nay, gia đình anh vẫn chưa được công nhận Gia đình liệt sĩ.
Quân nhân Trần Đình Thi sinh năm 1959, là con trai cả trong trong một gia đình có 5 người con. Tháng 5-1978, anh lên đường nhập ngũ và đóng quân tại C4-D2-Ban CHQS huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và đã hy sinh vì Tổ quốc.
Ông Trần Văn Sắc, em trai của quân nhân Trần Đình Thi cho biết: Anh tôi chưa được công nhận là liệt sĩ bởi biên bản tự thuật sự việc của một người tên là Nông Quốc Thái (sau này, từ các đồng đội của anh tôi cho biết ông Thái đóng quân ở xã Vân An, còn anh tôi đóng quân tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Biên bản này được Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng xác nhận ngày 20/10/1979. Căn cứ vào đó, cuối năm 1979, Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng đã gửi giấy báo tử cho gia đình, với nội dung: Đồng chí Trần Đình Thi đã chết ngày 17/2/1979 tại Bằng Khẩu, Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng (nay là tỉnh Bắc Kạn) trong trường hợp tự ý bỏ nhiệm vụ về phía sau địch bắn chết. Đơn vị mai táng tại Bằng Khẩu, Ngân Sơn. Nhận được giấy báo, cả gia đình tôi chết lặng, nhất là bố tôi, ông không tin con trai đảo ngũ.
Chính vì thế, ông Trần Đình Bôn, bố quân nhân Trần Đình Thi đã đi tìm mộ con khắp khu vực Bằng Khẩu nhưng không thấy. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngân Sơn cũng xác nhận không quản lý sơ đồ mộ chí cũng như mộ của quân nhân Trần Đình Thi. Vì thế, ông càng tin tưởng đó không phải sự thật.
Sau nhiều năm cố gắng tìm những đồng đội đã chiến đấu cùng với con trai, ông Trần Đình Bôn đã nắm được một số thông tin về con. Có đồng đội của anh khẳng định rằng: Quân nhân Trần Đình Thi đã hy sinh tại chiến trường Hà Quảng và được đồng đội an táng tại đây. Lần theo những thông tin đó, ông đã tìm thấy mộ con mình tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hà Quảng. Nhưng chưa kịp minh oan cho con thì ông qua đời, bỏ lại bà Nguyễn Thị Mùi - mẹ quân nhân Trần Đình Thi, với tâm nguyện chưa hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Mùi tuổi cao, lưng đã còng, mắt mờ, chân run, đi lại cần có người dìu, vì thế, việc minh oan cho con phải trông cậy vào những người con còn lại trong gia đình.
Sau khi gia đình cùng đồng đội của quân nhân Thi làm đơn gửi lên Quân khu 1 và Bộ Quốc phòng, năm 2018, Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng đã tổ chức đối thoại giữa đại diện Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 1, Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và nhiều đồng đội của đồng chí Thi để làm rõ sự việc. Tại biên bản cuộc đối thoại này, các đồng đội của quân nhân Thi đều khẳng định đồng chí đã hy sinh tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng chứ không phải ở huyện Ngân Sơn.
Ông Phạm Kiên Cường, một trong số đồng đội của quân nhân Thi khẳng định: Đồng chí Thi đi bộ đội cùng tôi và lên Cao Bằng cùng đợt ở Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Ban CHQS huyện Hà Quảng. Năm 1982, sau khi ra quân, tôi có lên nghĩa trang Hà Quảng thắp hương và có thấy bia mộ mang tên Trần Đình Thi, nên nghĩ gia đình đã được giải quyết chế độ. Cách đây vài năm, trong khi đi họp hội đồng hương Thái Nguyên, tôi mới hay tin đồng đội mình chưa được công nhận là liệt sĩ và gia đình vẫn chưa được nhận chế độ theo quy định.
Qua đối thoại, cơ quan chức năng khẳng định biên bản tự thuật của đồng chí Nông Quốc Thái không có giá trị pháp lý. Đề nghị Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng thu hồi giấy báo tử trước đây, đề nghị Phòng Chính sách Quân khu 1 chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan lập hồ sơ giải quyết chế độ, chính sách cho gia đình quân nhân Trần Đình Thi.
Căn cứ vào đó, Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng đã thu hồi giấy báo tử và ngày 1/8/2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng đã ban hành văn bản xác nhận quân nhân Trần Đình Thi là Liệt sĩ. Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên đã có giấy báo tử về gia đình Liệt sĩ Trần Đình Thi. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 2 năm được công nhận, gia đình liệt sĩ cũng đã làm mọi thủ tục và nhiều lần gửi hồ sơ đến cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa nhận được chế độ chính sách theo quy định.