Hãy sử dụng mạng xã hội một cách văn minh

10:48, 15/06/2021

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng một số cá nhân đăng tải hoặc chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân và tổ chức. Nhiều trường hợp chỉ đơn thuần xuất phát từ cảm xúc nhất thời hoặc mâu thuẫn cá nhân. Tuy nhiên, những hành động này là vi phạm các quy định của pháp luật và bị xử lý nghiêm.

Tại buổi làm việc với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông vào ngày 2-6 vừa qua, chị H.T.T (trú tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ) nức nở: “Quả thực sự việc không liên quan đến cá nhân em, chỉ vì nhất thời không suy nghĩ nên đã đưa thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội. Em đã nhận thức đó là sai phạm và sớm gỡ bỏ”.

Trước đó, chị T. sử dụng tài khoản Facebook có tên “Spa Hà Thảo” đăng tải bài viết có nội dung: Thông báo với cả nhà, chuyện chẳng liên quan đến mình đâu; nhưng thằng không có bản tính con người. Đừng nghĩ dùng nick tao mà xen vào chuyện tình cảm. Đây sẽ mời công an vào cuộc…”. Kèm theo bài viết là thông tin và hình ảnh cá nhân của một nam giới. Người bị đề cập trong bài viết đã làm đơn trình báo cơ quan công an vì cho rằng chị T. xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến công việc của mình. Theo kết quả điều tra, xác minh của cơ quan chức năng, chị T. có hành vi vi phạm và bị xử phạt hành chính số tiền 5 triệu đồng.

Một trường hợp tương tự, trong tháng 4-2021, chị N.T.Y.N (trú tại phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) do bức xúc cá nhân đã đăng tải thông tin cá nhân của chị Đ.T.H.G cùng con trai lên trên mạng xã hội, kèm nội dung: “Giữ lời hứa của em, em cho chị lên đây ngồi tạm. Mai chị lên đủ các trang mạng…”. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông xác định: Nguyên nhân của hành động này xuất phát từ mâu thuẫn mua bán hàng, việc vay nợ giữa cá nhân chưa trả đầy đủ. Tuy nhiên, việc chị N. đưa thông tin cá nhân người khác lên mạng khi chưa được sự đồng ý đã vi phạm điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Vi Tuấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông nhận định: Hiện nay, các vi phạm trên môi trường mạng xã hội như chia sẻ thông tin của người khác khi chưa được sự đồng ý; đăng tải nội dung sai sự thật, vu khống, xúc phạm nhân phẩm đối với cá nhân, tổ chức… khá phổ biến. Số lượng đơn thư tố cáo, kiến nghị, phản ánh về vấn đề này có chiều hướng tăng và ngày càng mang tính chất phức tạp hơn. Đáng chú ý là hiểu biết pháp luật của người dân, hộ kinh doanh cá thể đối với vấn đề này còn hạn chế; việc thu thập chứng cứ, rà soát thông tin trên môi trường mạng gặp nhiều khó khăn cần phải có sự phối hợp vào cuộc quyết liệt rất nhiều cơ quan chức năng liên quan.

Trở lại vụ việc của chị N.T.Y.N, sau khi bị xử phạt hành chính số tiền 5 triệu đồng, chị này tiếp tục dùng tài khoản cá nhân đăng tải lên các hội, nhóm mạng xã hội cho rằng cơ quan Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông làm sai quy trình; không tổ chức hòa giải, bản thân bị ép buộc ký biên bản… Các nội dung này có nhiều lượt chia sẻ, bình luận với lời lẽ suy diễn, không đúng bản chất của sự việc, thách thức cơ quan chức năng. Ông Vi Tuấn Dũng cho biết: Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại các quyết định của cơ quan chức năng nếu cho rằng chưa đúng và thỏa đáng. Có rất nhiều cách như gửi đơn, phản ánh trực tiếp, nhưng nếu đưa thông tin sai lệch, một chiều lên mạng xã hội để tạo dư luận xấu, với những bình luận quy chụp, không có căn cứ là vi phạm pháp luật, có thể tiếp tục bị xử lý theo quy định.

Hiến pháp và pháp luật quy định mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc muốn nói gì thì nói, thích viết gì thì viết. Nhiều người lầm tưởng rằng trang mạng xã hội là trang cá nhân của riêng mình nên mọi tâm tư tình cảm, thậm chí là bức bội, uất ức để trút bỏ ở đó để giải tỏa. Có trường hợp khi thấy thông tin mới cứ vô tư chia sẻ và bấm thích mà không cần biết nội dung là gì. Bên cạnh đó lại có người khai thác giá trị của mạng xã hội để phục vụ cho lợi ích của mình mà không chú ý đến tác động mặt trái, mặt tiêu cực, chỉ khi bị cơ quan có thẩm quyền xử lý họ mới nhận ra đó là vi phạm pháp luật.

Người xưa có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để nhắc nhau thận trọng khi phát ngôn. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin thì sự cẩn trọng lại càng phải được chú ý, nhất là việc đăng tải không tin trên mạng xã hội. Mỗi người cần nâng cao ý thức để trở thành người sử dụng mạng xã hội thông minh.