Khi “cơm không lành”…

10:52, 27/06/2021

“Có một nơi để về, đó là tổ ấm. Có những người yêu thương, đó là gia đình”… Nhưng trước giờ, không ít tổ ấm chỉ tồn tại ở vỏ ngoài, thậm chí các thành viên trong gia đình coi ngôi nhà của mình là nỗi sợ hãi vì bạo lực gia đình (BLGĐ). Tuy không phổ biến, nhưng BLGĐ luôn gây bức xúc dư luận, được cả xã hội quan tâm, tìm giải pháp hạn chế.

Vợ chồng, cha con - đó là những người thân yêu nhất. Nhưng không ít người bất chấp luân thường đạo lý, chà đạp nhân phẩm, thậm chí tước đoạt đi mạng sống của người thân. Điển hình như trường hợp của Hoàng Văn Chín, thôn Lương Bình 2, xã Sơn Phú (Định Hóa) dùng búa đánh vợ đến chết; Trần Văn Hùng, xóm Tân Long, xã Tân Hương (T.X Phổ Yên) dùng dao chém chết con đẻ; Ân Văn Hiền, xóm Bờ Tấc, xã Bàn Đạt (Phú Bình) dùng ghế đánh chết bố đẻ... Lý do gây án đều bắt nguồn từ mâu thuẫn trong nội bộ gia đình.

Mặt trái của cơ chế thị trường, tệ nạn xã hội đã tác động trực tiếp đến nếp sống truyền thống. Nhiều gia đình mất đi nền nếp vì nhận thức hạn chế, chưa kịp thích nghi với sự vận động, phát triển của xã hội, dẫn đến mâu thuẫn và BLGĐ xảy ra. Trong 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng nghìn vụ BLGĐ, gồm cả bạo lực về thân thể, tinh thần, kinh tế và tình dục.

Trên 90% người bị bạo lực là phụ nữ, gần 8% là trẻ em, còn lại là nam giới. Thực chất con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”, bởi không ít trường hợp, người bị bạo lực lại vì một số lý do mà che giấu thông tin, không thông báo cho chính quyền địa phương.

Mỗi năm có hàng chục, thậm chí là hàng trăm vụ án có liên quan đến hôn nhân và gia đình. Theo số liệu tổng hợp từ Tòa án nhân dân tỉnh, giai đoạn 2016-2020, Tòa án đã chấp thuận ly hôn cho hơn 10.000 trường hợp, trong đó hơn 80% có nguyên nhân từ BLGĐ. Một cán bộ trong ngành Tòa án cho biết: Không ít trường hợp do người chồng có máu mê cờ bạc, cá độ bóng đá, làm ăn thua lỗ, nghiện ma túy, nghiện điện tử, việc nhà bê trễ... dẫn đến cãi vã. Không ai chịu ai, chân tay “lên tiếng” và họ dắt nhau ra tòa xin được giải thoát.

Vậy mới thấy, nguyên nhân của các vụ BLGĐ rất đa dạng. Có thể là do thiếu kỹ năng ứng xử; không biết kiềm chế nóng giận, nói năng thiếu suy nghĩ làm tổn hại đến danh dự của “đối tác” hay có khi là do sự đối đãi chưa công bằng giữa 2 bên gia đình nội, ngoại; việc ứng xử giữa vợ và chồng; giữa cha, mẹ với con cái chưa đúng mực dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng quan điểm.

Còn người gây bạo lực thường do tính gia trưởng, ích kỷ, cậy mình là trụ cột kinh tế trong nhà dẫn đến có hành vi ứng xử kém văn hoá. Nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành do chểnh mảng học tập, mải chơi, gây lộn với bạn bè... nên bị “cho roi, cho vọt”. Đàn ông bị bạo hành về thể xác là chuyện hy hữu, mà chủ yếu về tinh thần, như bị nhiếc móc, chê bai...

Xã hội nào, thời đại nào cũng có BLGĐ. Giải pháp hiệu quả nhất được đúc kết là tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách pháp luật của Nhà nước về: Luật Hôn nhân gia đình; Luật Hình sự; dân sự; các quy định về phòng, chống BLGĐ...

Đồng thời tổ chức lồng ghép các hoạt động phù hợp như: “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “5 không, 3 sạch”; xóm, tổ dân phố không có BLGĐ…

Nhằm hạn chế tình trạng BLGĐ, trong giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh đã biên soạn, phát hành 3.500 cuốn tài liệu về công tác gia đình; 3.500 cuốn tài liệu “Hướng dẫn sinh hoạt câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”; 5.000 đĩa CD tuyên tuyền về phòng, chống BLGĐ; gần 21.000 cuốn sách về gương người tốt, việc tốt trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và chương trình xây dựng nông thôn mới; 360 cuốn sổ ghi chép số liệu về gia đình và phòng, chống BLGĐ; hơn 16.000 tờ gấp tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình...

Hiện toàn tỉnh có gần 1.000 câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững thu hút hơn 50.000 thành viên tham gia. Tại cộng đồng dân cư có hơn 1.500 địa chỉ tin cậy, hơn 300 nhóm phòng, chống BLGĐ, hơn 3.300 tổ hòa giải hoạt động hiệu quả.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên về công tác gia đình hằng năm được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về gia đình, phòng, chống BLGĐ; về kỹ năng điều hành sinh hoạt câu lạc bộ gia đình; kỹ năng tư vấn, hòa giải, giải quyết mâu thuẫn trong phòng, chống BLGĐ. Nhờ đó nhiều trường hợp được “hạ hỏa“ kịp thời, BLGĐ không xảy ra, các thành viên trong gia đình có cơ hội tốt hơn để hàn gắn tình cảm, hạnh phúc.

Và “Ngày gia đình Việt Nam” là dịp để nhắc nhở mọi người biết chia sẻ, biết yêu thương và tạo sức lan toả bằng những việc làm tốt đẹp nhằm tạo dựng nên những mái ấm gia đình và một xã hội phát triển bền vững.