Nan giải việc làm cho người nghiện sau cai

07:36, 20/06/2021

Để một người cai nghiện ma túy thành công đã khó, làm thế nào để sau cai, họ có thể hòa nhập tốt với cộng đồng và không tái nghiện trở lại càng khó khăn hơn. Trong đó, một trong khó khăn lớn nhất hiện nay là việc dạy nghề, tạo việc làm cho nhóm đối tượng này còn vướng mắc.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 4.500 người nghiện ma túy có hồ sơ quan lý, trong đó khoảng 3.100 người đang sống trong cộng đồng. Riêng tại Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), mỗi năm có khoảng 400 học viên hoàn thành chương trình cai nghiện và trở về với cộng đồng. Tuy không có con số thống kê cụ thể, nhưng khảo sát cho thấy, tỷ lệ người sau cai nghiện có việc làm tương đối thấp. Chủ yếu họ làm các công việc phụ giúp gia đình, xây dựng hoặc nếu có tay nghề thì mở cơ sở rửa xe, sửa chữa cơ khí.

Anh Nguyễn Hoàng H. (T.X Phổ Yên) là trường hợp sau cai nghiện, trở về địa phương nhưng xin việc ở nhiều nơi đều nhận được cái lắc đầu ái ngại. “Có cơ sở xây dựng đã đồng ý nhưng khi biết tôi từng nghiện thì lại viện lý do đã đủ lao động để từ chối. Cuối cùng tôi quyết định vào Tây Nguyên phụ việc chăm sóc vườn cà phê cho một người họ hàng để có thu nhập trang trải cuộc sống, cũng mong tránh xa ma túy” - anh H. trao đổi với chúng tôi qua điện thoại. Lý giải về việc người nghiện sau cai khó tìm được việc làm, bà Trịnh Thị Nguyệt, Trưởng phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) nói: Do vẫn còn rào cản về tâm lý nên nhiều cơ sở sản xuất không muốn nhận người từng nghiện ma túy vào làm việc. Bản thân nhóm đối tượng này cũng thường hạn chế về thể chất, trình độ văn hóa và kỹ năng làm việc, thiếu năng động và tự tin khi giao tiếp.

Thực tế, tại các cơ sở cai nghiện hoặc trung tâm dạy nghề đã quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng cho người cai nghiện nhưng mới dừng lại ở kết quả bước đầu. Ông Hà Biên Cương, Phó giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng cho biết: Hiện, chúng tôi liên kết với một số trường dạy nghề và Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức đào tạo các nghề điện dân dụng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… cho học viên cai nghiện tại Cơ sở. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được cấp chứng chỉ nghề. Tuy nhiên, không nhiều người sau khi cai thành công tìm được việc làm phù hợp hoặc tự được mở cơ sở sản xuất, kinh doanh vì khó tiếp cận với các nguồn vốn vay. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại Từ thông tin thêm: “Dù không có chức năng dạy nghề nhưng Cơ sở cũng đưa các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi thú y và hàn điện nhằm hỗ trợ trong quá trình cắt cơn của học viên. Đây chỉ là những kỹ thuật cơ bản nên học viên phải được đào tạo thêm mới có thể đáp ứng các yêu cầu của công việc.

Khó khăn trong tìm kiếm việc làm, sự kỳ thị nhất định từ cộng đồng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người nảy sinh tâm lý chán nản, dễ dẫn tới tình trạng tái nghiện. Bà Trịnh Thị Nguyệt phân tích: Việc làm cho người nghiện sau cai là “bài toán” khó, cần nhiều giải pháp đồng bộ để tìm ra lời giải. Đó là cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Cùng với đào tạo nghề phù hợp thì cần tạo điều kiện cho người nghiện sau cai, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tiếp nhận người sau cai nghiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Thêm một giải pháp có thể triển khai là hỗ trợ thành lập một số doanh nghiệp phi lợi nhuận, chuyên tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc. Ở đó, họ có điều kiện làm công việc phù hợp với năng lực và sức khỏe; chế độ nghỉ ngơi phù hợp, cùng với nỗ lực của bản thân để cắt đứt hoàn toàn với ma túy, tái hòa nhập cộng đồng.