Câu thơ ấy của nhà thơ Tố Hữu cũng là quan điểm sống của chị Bùi Thị Thanh Nga (sinh năm 1983), ở tổ 10, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên). Với chị, làm việc thiện, giúp đỡ đồng bào khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Gặp chị Nga, tôi có ấn tượng ngay về một người phụ nữ cởi mở, lạc quan và mạnh mẽ. Cuộc sống thường ngày của chị bình dị như bao người phụ nữ khác với công việc chính là bán thực phẩm chay. Thế nhưng khi có một địa phương nào đó bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh hay một hoàn cảnh cần sự giúp đỡ, chị lập tức kêu gọi và đến tận nơi hỗ trợ.
Chị bảo: Tôi là người theo đạo Phật và ý nghĩ giúp đỡ người khác lúc nào cũng thôi thúc trong tôi. Với bất cứ hoàn cảnh nào, tôi đều không suy nghĩ nhiều, chỉ cần biết mình có thể giúp đỡ một phần nào đó là làm.
Chị Nga bắt đầu hoạt động thiện nguyện từ năm 2010 với việc giúp đỡ người già đơn thân, neo đơn, không nơi nương tựa và trẻ em tại khu vực T.P Thái Nguyên.
Sau một thời gian làm việc thiện, đến năm 2015, chị đã kết nối với những người cùng chí hướng thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thiện nguyện Thái Nguyên và được bầu là Chủ nhiệm CLB. Những năm sau đó, hoạt động từ thiện của chị và CLB ngày càng mở rộng ra toàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc, nhất là vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Bao nhiêu năm làm từ thiện, chị Nga không thể nhớ hết những chuyến đi vùng cao tặng quà trẻ em, hỗ trợ đồng bào vùng lũ quét; những chuyến hàng vào cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt hay các hoạt động ủng hộ, động viên các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19... Tôi nhẩm tính, với mỗi năm thực hiện từ 5-10 hoạt động thiện nguyện thì tổng số tiền, trị giá hàng hóa do chị Nga đứng ra kêu gọi từ thiện từ năm 2010 đến nay cũng đã lên đến hàng tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong tháng 5-2021 vừa qua, chị Nga và các thành viên CLB đã tổ chức 5 chương trình tình nguyện tập trung hỗ trợ trẻ em trong khu cách ly ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; các y, bác sĩ tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; lực lượng phòng, chống dịch và người dân bị cách ly ở xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, các điểm chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí ủng hộ, hỗ trợ trong tháng 5-2021 lên tới hơn 200 triệu đồng.
Trong đó, chị đã đứng ra kêu gọi, giúp đỡ cho anh Mai Duy Thái (sinh năm 1998), xóm Làng Ngòi, xã Động Đạt (Phú Lương). Anh Thái là con độc nhất trong gia đình. Bố anh bị tai biến từ năm 2012, từ đó đến nay mất khả năng lao động. Mẹ anh không may qua đời năm 2014. Dịp tháng 5 vừa rồi, anh phát hiện bị suy gan, thận phải điều trị tích cực tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Chi phí điều trị tiêu tốn hơn 60 triệu đồng trong khi gia đình không có khả năng chi trả. Biết được hoàn cảnh của anh Thái, chị Nga đã kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và trực tiếp thanh toán 44,7 triệu đồng tiền viện phí cho anh.
Nhắc lại câu chuyện này, anh Mai Duy Thái xúc động nói: Nếu không có sự giúp đỡ của chị Nga, tôi thực sự không biết làm thế nào trong hoàn cảnh ấy. Tôi rất biết ơn chị và các nhà hảo tâm.
Làm từ thiện, chị Nga lúc nào cũng tâm niệm phải thật cẩn thận, rõ ràng, công khai, minh bạch, bởi chỉ một chút sơ ý, đãng trí cũng có thể ảnh hưởng đến niềm tin của rất nhiều người. Vì vậy, mọi hoạt động kêu gọi, danh sách, số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ và kinh phí hỗ trợ chị đều đăng tải trên trang Facebook cá nhân và để chế độ công khai.
Chị Phan Thị Mỹ Hạnh, quản lý Trung tâm Nghệ thuật Thiên thần nhỏ ở số nhà 6, ngõ 100, đường Minh Cầu (T.P Thái Nguyên), chia sẻ: Cùng tham gia CLB Thiện nguyện Thái Nguyên với chị Nga, tôi thấy chị làm việc rất có tâm, nhiệt tình, trách nhiệm và được mọi người tin tưởng.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, chị Nga cho biết: Mong ước lớn nhất của tôi là giúp đỡ được nhiều hơn nữa cho các hoàn cảnh khó khăn, nhất là phụ nữ và trẻ em. Để thực hiện tâm nguyện này, tôi đang làm thủ tục pháp lý cho CLB Thiện nguyện Thái Nguyên. Tôi mong CLB sớm được cấp phép để chúng tôi có điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động từ thiện.