Thái Nguyên bước vào giai đoạn phòng, chống dịch mới khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện 4 ca F0. Liên quan đến các ca bệnh, cùng với hoạt động truy vết, khoanh vùng, dập dịch, lực lượng làm xét nghiệm SARS -CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đang thức xuyên đêm làm nhiệm vụ.
Lần đầu tiên gặp thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Lê, Trưởng Khoa xét nghiệm - Chuẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chúng tôi rất bất ngờ bởi chị khá trẻ. Mới bước sang tuổi 34 nhưng chị đã đảm nhiệm vị trí lãnh đạo vài năm nay.
Chị Lê tâm sự: Làn sóng thứ tư này, dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở trong nước. Từ 27-4 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca bệnh trong cộng đồng. Kéo theo đó, nhiều trường hợp là người dân Thái Nguyên đã trở thành F1, F2… khi tiếp xúc gần với các ca bệnh hoặc trở về từ các điểm, ổ dịch. Cũng vì thế, lượng mẫu xét nghiệm tăng gấp nhiều lần so với các làn sóng dịch trước đó. Từ ngày 7-4, chúng tôi được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 nên 18 cán bộ của khoa phải làm việc không ngừng nghỉ.
Vừa trò chuyện cùng chúng tôi, chị Mai Lê vừa tranh thủ chỉ đạo cán bộ trong phòng tiếp nhận mẫu từ các nơi gửi về để làm xét nghiệm. Từ cuối tháng 4 đến nay, chị và các anh, em trong phòng không có ngày nghỉ. Con còn nhỏ (cháu lớn học cấp 1, cháu bé mới học mầm non) nhưng công việc bận nên mọi công việc nhà đều trông vào chồng và bên nội.
Chị bảo: Trong những ngày cao điểm làm nhiệm vụ, chúng tôi nhớ nhất đêm 26 rạng sáng ngày 27-5. Thời điểm ấy, tỉnh phát hiện ca bệnh F0 tại xã Thành Công (T.X Phổ Yên), có lịch trình di chuyển phức tạp. Sở Y tế đã yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ trên 3.000 công nhân của 3 doanh nghiệp tại khu công nghiệp Điềm Thụy vì trước đó, từ ngày 18 đến 24-5, bệnh nhân này từng đến làm việc. Khi ấy, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế cơ sở chạy đua với thời gian để lấy mẫu xét nghiệm. Chúng tôi cũng phải thức xuyên đêm để nhận mẫu và chạy kết quả ngay lập tức. Lúc chạy mẫu, mọi người nhìn nhau đầy lo lắng. Chỉ khi toàn bộ số mẫu cho kết quả âm tính, chúng tôi mới thở phào.
Không chỉ tiến hành xét nghiệm SARS -CoV-2, cán bộ của Khoa còn phải thường xuyên đi cơ sở lấy mẫu xét nghiệm phục vụ công tác chẩn đoán. Kỹ thuật viên xét nghiệm Bùi Thị Duyên đã công tác tại Khoa 15 năm nay nói: Mỗi lần lấy mẫu dịch hầu họng, chúng tôi phải tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nghi nhiễm. Nhưng chúng tôi vẫn khẩn trương để hoàn thành nhiệm vụ, luôn nhắc nhở nhau tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế trong tất cả các khâu để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Được nghe tâm sự của những người làm công tác xét nghiệm, chúng tôi cảm động về những hy sinh, cống hiến đáng trân quý của. Những ngày này, dù ở trong phòng xét nghiệm hay ở tuyến cơ sở, cán bộ của Khoa đều khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ phòng, chống dịch; đeo kính, khẩu trang kín mít, mang gang tay.
Những ngày mát mẻ, mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít ấy cả ngày đã là “thử thách” đối với rất nhiều người, vào ngày nắng nóng, người sức khỏe yếu khó có thể chịu được khi mồ hôi vã ra như tắm, cơ thể luôn trong tình trạng mất nước. Nhìn đôi bàn tay nhăn nheo vì mất nước của chị Lê, chị Duyên và các cán bộ làm công tác phòng, chống dịch, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; khối lượng công việc nhiều nhưng những người cán bộ ấy vẫn sắt son giữ trọn lời thề Hippocrates, làm hết sức mình vì sức khỏe cộng đồng.