Với nhiều giải pháp thiết thực như: Dạy nghề, phát triển mô hình kinh tế, bảo lãnh vay vốn tín dụng…, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lâu Thượng (Võ Nhai) đã hỗ trợ tạo việc làm cho hàng trăm lao động là phụ nữ nông thôn.
Chị Hoàng Hà Linh, Chủ tịch Hội LHPN xã Lâu Thượng cho biết: Hàng năm, chúng tôi chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các đơn vị liên kết tổ chức các chương trình đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ. Cùng với đó, Hội LHPN xã thường xuyên rà soát nhu cầu, nguyện vọng của hội viên phụ nữ trong từng độ tuổi để từ đó, tư vấn, hỗ trợ giới thiệu cho hội viên công việc phù hợp với độ tuổi, trình độ, giúp hội viên có việc làm ổn định, tăng thu nhập, hạn chế việc đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, Hội duy trì thực hiện tốt phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bằng ngày công lao động, cây con giống, tiền...
Tính từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN xã Lâu Thượng đã phối hợp tổ chức 6 lớp dạy nghề: May công nghiệp; sơ chế, bảo quản nông sản; trồng cây có múi; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi… cho 450 hội viên phụ nữ. Hội cũng phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động nữ, trong đó có cả những chị em trên 35 tuổi. Nổi bật nhất là việc Hội LHPN xã hỗ trợ để các hội viên kết nối thành lập 4 tổ sản xuất tóc giả xuất khẩu với trên 400 chị em tham gia. Hiện nay, thu nhập bình quân của thành viên các tổ sản xuất tóc giả là khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, một số lao động tay nghề cao có thể đạt thu nhập lên đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Tiêu biểu như Tổ sản xuất tóc giả xóm Làng Áng, dù mới đi vào hoạt động trên 1 năm nhưng đã thu hút và tạo việc làm cho trên 100 lao động là phụ nữ trên địa bàn xã Lâu Thượng và các địa phương lân cận. Chị Nguyễn Thị Bính, thành viên Tổ sản xuất tóc giả Làng Áng chia sẻ: Trước đây, do cuộc sống khó khăn nên tôi chọn cách đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập.
Tuy nhiên, chi phí ăn ở, đi lại nhiều nên số tiền dành dụm được mỗi tháng rất ít. Từ khi chuyển sang nghề sản xuất tóc giả, tôi làm việc gần nhà nên tiết kiệm được nhiều chi phí và có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình. Còn chị Nguyễn Thị Thúy, 35 tuổi, ở xóm La Mạ cho biết: Ở tuổi của tôi, không dễ tìm được việc làm tại các khu công nghiệp. Nghề sản xuất tóc giả không chỉ rất phù hợp với điều kiện, khả năng của tôi mà lại cho thu nhập khá.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Luân Thị Thời, Tổ trưởng Tổ sản xuất tóc giả Làng Áng cho hay: Tôi rất vui mừng vì chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, Tổ sản xuất đã giúp cho nhiều phụ nữ có việc làm ổn định ngay tại quê hương. Nhiều chị thuộc hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nay cũng đã có thu nhập ổn định, có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm được đồ dùng tiện nghi cho gia đình...
Cùng với hỗ trợ tạo việc làm cho hội viên, thời gian qua, Hội LHPN xã Lâu Thương đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn triển khai cho hội viên vay vốn thông qua các tổ liên kết. Đến nay, đã có trên 500 lượt hộ hội viên phụ nữ được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ trên 31 tỷ đồng. Qua các hoạt động này, trên 500 hội viên phụ nữ trên địa bàn xã đã có việc làm thường xuyên cho thu nhập khá.
Đặc biệt, đã có 16 hộ do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, Hội còn duy trì thực hiện tốt phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giúp cho 32 lượt hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế. Đồng thời, Hội cũng triển khai thành công các mô hình kinh tế như: Mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản và vỗ béo tại xóm La Mạ với 28 gia đình phụ nữ nuôi trên 100 con trâu bò; mô hình trồng cây ăn quả tại xóm Yên Ngựa với trên 60 hộ phụ nữ tham gia trồng các loại cây na, bưởi, nhãn... cho thu nhập cao.
Nói về hiệu quả công tác tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn ở địa phương, đồng chí Mai Xuân Thái, Bí thư Đảng ủy xã Lâu Thượng nhận xét: Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Hội LHPN xã. Với những việc làm thiết thực, Hội đã tạo hàng trăm việc làm, đặc biệt là việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, giúp họ nâng cao thu nhập. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương bền vững.