Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH). Đây được xem là cơ sở để định hướng những chuẩn mực đạo đức, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực của người dùng MXH, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Cụ thể, Bộ quy tắc có phạm vi áp dụng là toàn bộ các đối tượng đang sử dụng MXH như cá nhân, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước cho đến nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam.
Bốn quy tắc ứng xử áp dụng chung là: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm. Cá nhân và tổ chức được khuyến nghị sử dụng họ, tên thật, tên hiệu thật để đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ nhằm xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng MXH; chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; tung tin giả, tin sai sự thật; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Anh Hứa Chu Đông, sinh viên khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên chia sẻ: Tôi cho rằng, Bộ quy tắc này sẽ giúp mỗi người có hành vi ứng xử phù hợp, tạo ra một môi trường mạng văn minh hơn. Đồng thời bảo mật tốt hơn thông tin cá nhân, tránh bị giả mạo hoặc lợi dụng vào mục đích xấu.
MXH vốn là nơi chứa đựng thông tin đa dạng, tích cực có, tiêu cực có, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, tinh thần của người khác cũng có... Gần đây, trên MXH xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng hình thức phát trực tiếp (livestream) có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức. Sau làn sóng cổ suý, tung hô, kích động bạo lực thì cơn sốt livestream lại chuyển hướng nhắm vào đời tư, nhân thân của các văn, nghệ sĩ, người nổi tiếng, có nội dung tiêu cực, nhưng lại thu hút cả trăm nghìn lượt theo dõi, chia sẻ, gây nên hiệu ứng xấu.
Trên địa bàn tỉnh, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thời gian gần đây cũng đã phối hợp xác minh thông tin và xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân.
Theo ý kiến của các chuyên gia, Bộ quy tắc ứng xử trên MXH chỉ mang tính khuyến nghị, khuyến cáo có bản chất là tập hợp tất cả các quy định về các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng; giúp người dùng từng bước hình thành thói quen tích cực trong ứng xử trên MXH.
Tuy nhiên, trong trường hợp người tham gia MXH, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định. Về cơ bản, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội đã được quy định rất rõ trong các luật và nghị định liên quan.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Bộ quy tắc ứng xử trên MXH tạo khuôn khổ quan trọng để có những chính sách rõ ràng trong các cơ quan Nhà nước; điều tiết hành vi của tổ chức, cá nhân sử dụng mạng. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở sẽ phối hợp với đơn vị liên quan nghiên cứu, hướng dẫn các tổ chức, cơ quan, đơn vị phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Bộ quy tắc trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng. Sở cũng khuyến nghị các cơ quan, đơn vị xây dựng, áp dụng triệt để các quy tắc, quy định sử dụng MXH đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị mình. Mỗi cá nhân cần nhận thức rõ việc giao tiếp, tương tác trên MXH cũng như trong đời sống thực hàng ngày, học cách ứng xử có văn hóa, trách nhiệm và trên hết là phải tuân thủ các quy định pháp luật.