Ngay sau khi UBND tỉnh có chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch COVID-19, một số loại hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh được cho phép hoạt động trở lại từ ngày 28-6. Theo đó, nhịp sinh hoạt, sản xuất của người dân cũng dần trở lại trạng thái bình thường sau thời gian thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Qua ghi nhận của chúng tôi tại một số điểm ở trung tâm T.P Thái Nguyên và các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, sau 3 ngày nới lỏng giãn cách, các tuyến đường trở lên nhộn nhịp hơn, người dân cũng như nhiều hộ kinh doanh bày tỏ sự phấn khởi khi một số dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Chị Hoàng Thị Giang, ở tổ dân phố số 6, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Nhiều ngày qua, ngoài di chuyển đến nơi làm việc, vợ chồng tôi và các con cũng hạn chế đi ra ngoài để đảm bảo an toàn. Sau khi có chỉ đạo mới của tỉnh và của thành phố, các thành viên trong gia đình tôi đã trở lại các phòng tập thể thao, bể bơi để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn dặn các con phải đeo khẩu trang khi ra ngoài và đến nơi đông người.
Mặc dù được phép hoạt động trở lại, nhưng không ít người dân vẫn còn e dè, băn khoăn, chưa dám mở cửa hàng, thậm chí tình trạng “cửa đóng, then cài” vẫn duy trì ở một số tuyến phố, hoạt động kinh doanh dịch vụ chưa diễn ra bình thường như trước thời điểm có dịch. Một số cơ sở chăm sóc sắc đẹp, ăn uống, tập luyện thể thao, vui chơi giải trí... đã tái hoạt động song lượng khách đến vẫn chưa nhiều. Anh Dương Trọng Lâm, Chủ quán Phở Lâm, trên đường Việt Bắc (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, lượng khách của cửa hàng bị giảm một nửa so với trước đây.
Do vậy, chúng tôi đã phải cho 30% nhân viên phục vụ nghỉ việc. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, chúng tôi chỉ bán được khoảng 300-400 bát. Trong 2-3 ngày trở lại đây, lượng khách đến ăn có tăng nhẹ song tâm lý của phần lớn người dân vẫn khá cẩn trọng nên lượng khách mua mang về vẫn là chủ yếu. Đối với những khách hàng ăn tại quán, chúng tôi đều hướng dẫn mọi người đảm bảo khoảng cách, sát khuẩn trước khi vào.
Nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, 9 huyện, thành, thị cũng đã triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống dịch để nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất cho người dân.
Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã tuyên truyền đến người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tiêm vắc-xin diện rộng trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Việc từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, chuyển sang giai đoạn phòng chống dịch trong tình hình mới được xem là giải pháp để khôi phục các hoạt động phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh các cơ sở kinh doanh và người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch thì vẫn còn không ít những trường hợp chủ quan, lơ là.
Một số hàng quán mở cửa trở lại không kê bàn ghế đúng khoảng cách, thiếu nước sát khuẩn, không lấy thông tin liên hệ của khách hàng... Tại một số địa điểm công cộng trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng nhiều người đi bộ, tập thể dục, trẻ em vui chơi không đeo khẩu trang, không đảm bảo khoảng cách, tập trung quá số người quy định...
Trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần tự giác chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.