Bảo hiểm tai nạn lao động: “Người bạn” chia sẻ gánh nặng

09:51, 05/08/2021

Bảo hiểm tai nạn lao động, chính sách an sinh xã hội nhằm bù đắp một phần tổn thất cho người lao động và người sử dụng lao động. Thấm thía nhất phải kể đến thân nhân người lao động bị tai nạn, đặc biệt nghiêm trọng là tai nạn dẫn đến tử vong.

Người trong cuộc được ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả các chế độ trợ cấp theo quy định, như mai táng phí, trợ cấp tuất, trợ cấp 1 lần… Chính vì thế mà nhiều người gọi loại hình bảo hiểm này là “người bạn” chia sẻ gánh nặng với người lao động và người sử dụng lao động.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động. Nhưng chủ yếu do người lao động và người sử dụng lao động không tuân thủ các quy định an toàn trong quá trình lao động. Trong giây khắc bất cẩn, sơ ý, người lao động mang thương tật suốt đời, thậm chí mất mạng.

Hậu quả để lại rất lớn, ngoài bản thân người lao động bị tai nạn còn kéo theo đó những thân nhân gồm người già, trẻ em. Họ sẽ sống như thế nào khi lao động chính trong nhà phút chốc trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Chuyện tai nạn lao động, nhiều người còn nhắc nhớ đến vụ việc nạn nhân Mai Văn Đảnh, sinh năm 1991, ở thôn 7, xã Đông Sơn, T.P Tam Điệp (Ninh Bình).

Anh Đảnh làm công nhân tại Chi nhánh Công ty CP khai khoáng Miền Núi - Mỏ đá Núi Chuông, xã Yên Lạc (Phú Lương). Anh có hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng. Ngày 14-1-2017, trong lúc làm việc do không đeo dây an toàn, sơ ý trượt chân nên bị ngã từ độ cao 25 mét xuống chân núi và chết ngay tại chỗ.

Sau tai nạn, chủ sử dụng lao động thực hiện bồi thường cho thân nhân nạn nhân số tiền 180 triệu đồng, tương đương với 30 tháng lương. Do có tham gia BHXH bắt buộc nên ngoài số tiền bồi thường của chi nhánh, BHXH trợ cấp cho thân nhân anh Đảnh tổng số tiền hơn 55 triệu đồng, trong đó hơn 12 triệu tiền mai táng phí; hơn 43 triệu đồng tiền trợ cấp 1 lần. Riêng cháu Mai Châm Anh, 2 tuổi, con đẻ của nạn nhân được nhận trợ cấp tuất hằng tháng, với số tiền 605.000 đồng/tháng đến năm đủ 18 tuổi.

Nhưng không phải người lao động nào cũng được BHXH chi trả các khoản tiền trợ cấp này. Vì một lí do đơn giản - khổ nạn không tham gia đóng BHXH bắt buộc, nên khi sự việc ập đến cả người lao động và người sử dụng lao động đều gánh chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế.

Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Mơ, sinh năm 1980, ở xóm Đại Tân, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên). Bà Mơ làm việc cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, quận Hoàng Mai (T.P Hà Nội). Là lao động tự do nên bà và chủ sử dụng lao động thỏa thuận việc làm, mức lương bằng lời nói.

Ngày 11-12-2020, trong lúc làm việc tại công trường Gói 6 - Dự án đường vành đai V, vùng Hà Nội, thuộc địa phận xã Tiên Phong, bà Mơ bị đất vùi chết. Sau vụ việc, Công ty bồi thường cho đại diện thân nhân nạn nhân số tiền 117,6 triệu đồng, bằng 30 tháng lương theo quy định. Nhưng không được hưởng các chế độ trợ cấp do BHXH chi trả. 2/3 người con của bà Mơ chưa đủ 18 tuổi cũng không được hưởng chế độ tuất hằng tháng.

Tương tự như bà Mơ là trường hợp anh Triệu Sinh Hiếu, sinh năm 1998, ở thôn Khe Nước, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Anh Hiếu làm việc cho Công ty TNHH Jeil Engineering, Khu công nghiệp Sông Công (T.P Sông Công), được 1 tháng thì bị chết do tai nạn lao động, ngã từ trên mái nhà xưởng ở độ cao gần 9 mét xuống đất.

100% công nhân của Công ty CP Hợp kim sắt Thái Nguyên được tham gia Bảo hiểm tai nạn lao động.

Còn trường hợp ông Nguyễn Văn Đoàn, sinh năm 1962, ở xóm Trung I, xã Điềm Thụy, (Phú Bình). Ông làm việc cho Công ty TNHH Gạch Tuynel Điềm Thụy. Ngày 18-8-2017,  trong giờ làm việc, do bất cẩn ông bị băng tải cuốn vào máy làm vỡ hộp sọ chết ngay tại chỗ… Cả 2  anh Hiếu và ông Đoàn đều không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, do vậy không được Cơ quan BHXH chi trả chế độ tai nạn lao động, mà chỉ được hưởng một khoản tiền nhất định do người sử dụng lao động thỏa thuận bồi trả.

Nhiều người trong cuộc cho rằng: Giá như các nạn nhân chủ động tham gia BHXH bắt buộc, thân nhân nạn nhân không phải chịu mất người, mất của, nhất là các nạn nhân có con còn nhỏ dại...

Ở Thái Nguyên, không thể không nhắc đến vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 6-7-2017, tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hiệp Linh, Khu công nghiệp Sông Công I. Kíp làm việc có 4 người làm nhiệm vụ nấu luyện thép bằng lò điện trung tần. Do thiết bị sản xuất không an toàn đã dẫn đến tai nạn lao động làm 1 người chết, 3 người bị thương. Các nạn nhân đều là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nên ngoài số tiền bồi thường từ phía Công ty, họ còn được BHXH thanh toán chế độ tai nạn lao động. Mức hỗ trợ được căn cứ vào kết quả giám định của từng người.

Xin dẫn thêm một trường hợp đặc biệt liên quan đến chi trả của BHXH cho nạn nhân bị tử vong do tai nạn lao động. Nạn nhân là anh Hoàng Văn Tuấn, sinh năm 1991, ở thôn 3, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) công nhân Công ty Xây dựng Yên Lạc, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Ngày 3-12-2017, khi thi công Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn, địa phận xóm Chúng, xã Tân Dương (Định Hóa), anh bị gầu máy xúc va vào đầu làm chết tại chỗ.

Tại thời điểm đó, vợ anh Tuấn là chị Nguyễn Thị Tư đang có mang bé Hoàng Nguyễn Tú Anh 1 tháng. Nhưng bé vẫn được hưởng chế độ tuất 695.000 đồng/tháng (mức trợ cấp hằng tháng có thể thay đổi khi mức lương tối thiểu chung thay đổi). Thời gian trợ cấp bắt đầu từ tháng 7 năm 2018 đến khi bé Tú Anh đủ 18 tuổi. Còn chị Tư được nhận hơn 50 triệu đồng tiền trợ cấp 1 lần, gần 14 triệu đồng tiền mai táng phí.

Chị Nguyễn Thị Tư nói: Gia đình tôi làm ruộng, thu nhập eo hẹp, số tiền tuất dù không nhiều nhưng cũng giúp vơi bớt khó khăn. Hơn nữa, bé Tú Anh có điều kiện tốt hơn trong cuộc sống, học tập sau này...