Hiện nay, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang có diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Thái Nguyên. Bên cạnh sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc phòng, chống dịch thì đâu đó vẫn có trường hợp chủ quan, lơ là, khai báo không trung thực, trốn khai báo, trốn cách ly, không thực hiện nghiêm các quy định…
Điều này không chỉ gây khó khăn cho quá trình điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch của cơ quan chức năng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 19-7 vừa qua, lực lượng phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh đã phải cấp bách truy vết một gia đình trở về từ T.P Hồ Chí Minh nhưng đã không chấp hành cách ly tập trung. Theo đó, gia đình ông D.T.N (gồm 3 người) di chuyển từ T.P Hồ Chí Minh bằng xe ô tô cá nhân, đến khoảng 17 giờ ngày 19-7 có mặt tại Trạm Y tế xã Tân Quang (T.P Sông Công) để khai báo y tế.
Dù được cán bộ y tế hướng dẫn hoàn thiện thủ tục thực hiện cách ly tập trung nhưng gia đình ông N không chấp hành và lên xe ô tô dời đi. Phải mất gần 2 ngày nỗ lực truy vết, đêm 21-7, lực lượng chức năng mới phát hiện gia đình ông D.T.N đang lưu trú tại tổ dân phố 11, phường Phan Đình Phùng và vận động gia đình ông N đi cách ly.
Hay như mới đây là trường hợp 2 công dân xã Tân Khánh (Phú Bình) từ các tỉnh phía Nam trở về lưu trú tại địa phương. Do chưa được UBND xã Tân Khánh và các cơ quan chức năng của huyện áp dụng kịp thời biện pháp cách ly tập trung, giám sát, lấy mẫu theo quy định, trong khi đó, bản thân 2 công dân lại chưa nghiêm túc thực hiện việc cách ly y tế tại gia đình nên đã làm lây lan dịch trong cộng đồng.
Tính từ ngày 27-7 đến nay, trên địa bàn huyện Phú Bình đã có 8 trường hợp F0 đều ở xã Tân Khánh, 47 trường hợp F1 phải cách ly tập trung, trên 600 trường hợp F2 cách ly tại nhà. Toàn bộ xã Tân Khánh và 4 xóm của xã Tân Kim, 1 xóm của xã Nhã Lộng phải thực hiện giãn cách xã hội, đời sống, kinh tế của người dân bị xáo trộn, ảnh hưởng…
Công dân từ vùng dịch trở về cần tuân thủ nghiêm việc khai báo y tế và cách ly tập trung.
Có thể thấy rằng, bất kể hành động, việc làm, dù là lơ là, chủ quan hay cố ý vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của một cá nhân đều gây hậu quả, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội, không chỉ tiêu tốn thời gian, nhân lực, vật lực mà nghiêm trọng hơn là phát tán dịch bệnh ra cộng đồng.
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, thời gian qua, cùng với việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân thì Nhà nước đã áp dụng một số quy định về mức xử phạt 16 hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đơn cử như: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh COVID-19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh COVID-19; không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh COVID-19; người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bệnh Covid-19; không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài khi không cần thiết …
Tại các địa phương trong tỉnh, người dân thường vi phạm và bị xử phạt hành chính các lỗi chủ yếu như không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách trong tiếp xúc, đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh...
Đối với cán bộ, người đứng đầu liên quan đến dịch bệnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với Chủ tịch UBND xã Tân Khánh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu do để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, để góp phần đẩy lùi dịch bệnh, mỗi một cá nhân, tập thể đều phải luôn phát huy tinh thần gương mẫu, tự giác chấp hành nghiêm các quy định. Các cấp, ngành, đoàn thể cần tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu rõ quy định phòng, chống dịch bệnh, khai báo y tế trung thực, không trốn tránh khai báo y tế. Phát huy tốt tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”, không chủ quan, lơ là.