Vài tháng trở lại đây, tại nhiều tỉnh, thành trong nước, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động giao thương bị đình trệ khiến cho việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, cùng với tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, nhiều cơ quan, hội, đoàn thể, doanh nghiệp, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã cùng vào cuộc, đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.
Nỗ lực khơi thông "dòng chảy" hàng hóa trong đợt dịch vừa qua, lần đầu tiên, ngoài nhiệm vụ chuyên môn là kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thái Nguyên đã “kiêm” thêm nhiệm vụ đặc biệt, đó là hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương và kế hoạch của Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh đã chủ động liên kết với đầu mối tiêu thụ vải tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) và phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, bưu điện trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai, kết nối hỗ trợ tiêu thụ. Kết quả, từ ngày 5-6 đến ngày 23-6, Cục đã hỗ trợ tiêu thụ được119 tấn vải thiều Bắc Giang (vượt 139% kế hoạch Tổng cục giao)…
Cũng cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Bắc Giang trong đợt cao điểm dịch COVID-19 tại tỉnh này, Đoàn Thanh niên khối các cơ quan tỉnh lựa chọn dưa hấu. Chỉ trong 1 ngày triển khai, gần 30 tấn dưa hấu đã được tiêu thụ.
Chị Dương Thị Giang, Bí thư Đoàn khối các cơ quan tỉnh chia sẻ: Khi chúng tôi triển khai hoạt động này, các cơ sở đoàn đều nhiệt tình đăng ký ủng hộ; các đoàn viên, thanh niên hăng hái tham gia bốc dỡ, phân chia, vận chuyển hàng đến từng đơn vị, cơ quan theo danh sách đã đăng ký.
Không riêng tỉnh Bắc Giang, nhiều nông sản khác của một số tỉnh trong nước cũng được các cá nhân, tập thể trong tỉnh kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ trong tháng 5, 6 vừa qua.
Điển hình như Liên đoàn Lao động tỉnh đã kêu gọi các tổ chức công đoàn trong tỉnh, đoàn viên công đoàn, người lao động tiêu thụ trên 100 tấn xoài Sơn La. Hội Nông dân tỉnh kêu gọi các cơ quan, đơn vị, cán bộ, người lao động và nhân dân trong tỉnh chung tay ủng hộ bà con nông dân T.X Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, kết quả tiêu thụ được 72 tấn hành tím.
Hội Từ thiện Chùa Hộ Lệnh (Phú Bình) đã bán hộ người dân Sơn La được trên 3 tấn mận chỉ trong 2 ngày triển khai. Trước đó vào tháng 3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên cũng đã tiêu thụ được 40 tấn bắp cải, ổi của bà con nông dân tỉnh Hải Dương bị tồn đọng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Quá trình vận chuyển nông sản từ các vùng có dịch đều được các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt từ khâu kiểm dịch, khử khuẩn trước khi đến tay người tiêu dùng. Nông sản được vận chuyển về theo từng đợt để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chất lượng, hàng về đến đâu được đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh ủng hộ tiêu thụ hết đến đó.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, hoạt động thông thương hàng hóa bị xáo trộn và đình trệ thì việc kết nối tiêu thụ nông sản giữa các đơn vị, giữa các tỉnh càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Điều này không chỉ phát huy vai trò của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức hội đoàn thể trong việc chung sức cùng hệ thống chính trị tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân mà còn thể hiện tấm lòng sẻ chia, tinh thần yêu nước, đoàn kết trong đại dịch.