Khi người tham gia được đặt ở vị trí trung tâm

18:04, 21/08/2021

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Ðề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính ban hành theo Quyết định số 468/QÐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Kế hoạch này, BHXH Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở; 100% số hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ chính việc giải quyết thủ tục hành chính; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống còn 15 phút mỗi lượt giao dịch…

Ðể hiện thực hóa các mục tiêu này, bên cạnh các biện pháp hành chính - tổ chức liên quan, BHXH Việt Nam cũng xác định, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trong triển khai những giải pháp công nghệ trọng tâm như kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu để phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trên môi trường điện tử và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thực hiện việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính ngành BHXH với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa…

Các mục tiêu, giải pháp nêu trên không chỉ là những bước đi cụ thể của ngành BHXH Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và các hoạt động nghiệp vụ, mà còn cho thấy quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành trong việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ công liên quan BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Ðiều đó cũng đã được triển khai qua nhiều phương thức phục vụ hiện đại trong những năm qua, như tăng cường giao dịch điện tử, qua dịch vụ bưu chính, qua ứng dụng VssID- BHXH số trên điện thoại thông minh, qua các dịch vụ thanh toán trực tuyến...

Ðến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của ngành; đồng thời tích hợp, cung cấp 25 dịch vụ công của ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Từ cuối năm 2020, với việc triển khai ứng dụng VssID, nhiều người dân có thể thực hiện các dịch vụ công như: Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; chuyển địa bàn hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; thay đổi thông tin người hưởng BHXH; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đi KCB...

Trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, những phương thức phục vụ hiện đại, linh hoạt này không chỉ giúp duy trì sự "kết nối" giữa cơ quan BHXH với đối tượng phục vụ, bảo đảm giải quyết công việc thông suốt mà còn hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn ngành BHXH đã tiếp nhận hơn 46,42 triệu hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; dù nhiều thời điểm dịch bệnh có những diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, nhưng tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn vẫn đạt 96%.

Ðó là những minh chứng sống động nhất về những cải cách mạnh mẽ của ngành BHXH Việt Nam hướng tới việc nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng thụ hưởng; là cơ sở để toàn ngành tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn.