Lao động đặc thù: Trợ cấp chưa tương xứng

08:58, 12/08/2021

500.000 đồng/người/tháng là số tiền tỉnh chi trả trợ cấp đặc thù cho viên chức và người lao động (NLĐ) làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy; người sau cai nghiện ma túy công lập kể từ tháng 6-2016 đến nay.

Theo nhận định của lãnh đạo Sở Lao động - TBXH và các sở, ngành liên quan: Mức hỗ trợ này quá thấp nên chưa đủ lực thu hút, động viên, khuyến khích viên chức và NLĐ làm việc, cống hiến tại lĩnh vực này.

Hiện trên toàn tỉnh có 6 cơ sở cai nghiện ma túy, gồm 1 cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh, 5 cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và công tác xã hội tại T.P Thái Nguyên; T.X Phổ Yên và các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, với tổng số 147 viên chức, NLĐ.

Giai đoạn 2015-2020, các trung tâm đã tổ chức cai nghiện ma túy cho hơn 7.700 lượt người, đạt 115,6% kế hoạch. Riêng năm 2020 tổ chức cai nghiện ma túy cho 1.000 người. Sang 6 tháng đầu năm 2021, có gần 500 người nghiện ma túy đang chấp hành cai nghiện tại các cơ sở.

Một thực tế là hầu hết người nghiện ma túy khi vào cơ sở cai nghiện đều đã có một thời gian dài sử dụng ma túy; có đời sống vật chất khó khăn, tinh thần không lành mạnh. Nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá và các loại ma túy mới gây ảo giác, kích thích mạnh vào hệ thần kinh.

Cũng do ảo giác mạnh nên người nghiện không kiểm soát được hành vi của mình. Nhất là khi mới vào cơ sở cai nghiện, cơn đói thuốc khiến họ vật vã đau đớn, la hét, đập phá, tự cào cấu vào da thịt mình. Nhiều người chửi thề, lặng mạ, dọa đánh cả cán bộ. Đặc biệt quan tâm là trong số người nghiện vào cơ sở điều trị, có nhiều trường hợp bị mắc các bệnh truyền nhiễm như: Lao, HIV/AIDS, viêm gan B, viêm gan C…

Ai cũng biết đó là một công việc nặng nhọc, mỗi ngày đều phải tiếp xúc với những người thiếu nhân cách, nghiện ma túy. Tại các vị trí việc làm, kể từ công việc của người làm công tác quản lý chung đến đội ngũ viên chức trực tiếp làm nhiệm vụ điều trị, tư vấn giáo dục, tổ chức lao động trị liệu và phục vụ luôn phải đối diện với nguy hiểm, độc hại, mức độ rủi ro vì phơi nhiễm bệnh truyền nhiễm, bệnh HIV và nhiều các bệnh khác.

Nhưng vì trách nhiệm xã hội, vì công việc nên đội ngũ những người làm công tác cai nghiện ma túy trụ lại, không dời bỏ vị trí, mà “chỉ dám” phàn nàn, mong Nhà nước quan tâm, nâng mức trợ cấp, phụ cấp phù hợp với đặc thù công việc.

500.000 đồng chia cho 24 ngày làm việc theo giờ hành chính, tương đương với số tiền hơn 20.000 đồng/ngày. Quá ít ỏi đối với một viên chức, NLĐ, nhất là ở một đơn vị đặc thù làm công tác cai nghiện ma túy.

Thiết nghĩ, việc nâng mức trợ cấp đặc thù cho đội ngũ những người làm công tác cai nghiện ma túy và sau cai nghiện ma túy công lập là thỏa đáng. Hơn thế, việc nâng mức trợ cấp đặc thù không chỉ bảo đảm đời sống mà còn tạo sự gắn bó, chuyên tâm của đội ngũ viên chức, NLĐ với nhiệm vụ đặc biệt - giúp đỡ những người lầm lỗi hoàn lương.

Ngày 6-4, Hội nghị liên ngành gồm các sở: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch - Đầu tư do Sở Lao động - TBXH chủ trì đã thảo luận, thống nhất đề nghị tỉnh nâng mức trợ cấp đặc thù cho viên chức, NLĐ làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy công lập từ mức 500.000 đồng/người/tháng lên 1,3 triệu đồng/người/tháng.

Theo đó, kinh phí tăng thêm là hơn 1,4 tỷ đồng/tháng. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách và nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.