Môi trường làm việc an toàn mang lại lợi ích kép. Bởi không có tai nạn lao động, doanh nghiệp không bị tiêu tốn tiền của và thời gian vì vấn đề này; người lao động (NLĐ) không bị thương tật, thậm chí mất mạng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Phòng Chính sách lao động (Sở Lao động - TBXH) đúc kết: Đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động (VSLĐ) còn là giải pháp giúp doanh nghiệp khẳng định uy tín, thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trong thương trường.
Để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp cũng như NLĐ, 5 năm gần đây, tỉnh cấp ngân sách bình quân 500 triệu đồng/năm cho các hoạt động tuyên truyền về an toàn VSLĐ. Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn lao động chưa chấm dứt. Đã có hơn 500 vụ tai nạn lao động làm 164 người bị chết, 24 người bị thương nặng từ năm 2016 đến hết năm 2020.
Riêng năm 2020 xảy ra 138 vụ, làm 139 người bị tai nạn, tăng 36 vụ và 34 người bị tai nạn so với năm trước. Đặc nghiêm trọng 12 vụ, làm 12 người chết, tăng 2 vụ và 2 người chết so với năm trước.
Khu vực không có quan hệ lao động xảy ra 12 vụ, làm chết 10 người và 2 người bị thương nặng. Sang những tháng đầu năm 2021, tai nạn lao động vẫn tiếp tục xảy ra, làm 6 người chết.
Theo tổng kết của cơ quan chuyên môn: Có 71% vụ việc mất an toàn lao động do doanh nghiệp không trang bị thiết bị an toàn cho NLĐ; NLĐ không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động. 29% số vụ việc tai nạn lao động do nguyên nhân khách quan, khó tránh.
Nhưng dù do nguyên nhân nào thì tai nạn lao động xảy ra cũng đều để lại hậu quả nặng nề. Chủ sử dụng lao động phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, khắc phục sự cố sản xuất và có thể phải chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật.
Từ nhận thức về hậu quả do mất an toàn VSLĐ, nhiều doanh nghiệp đã tự có ý thức chấp hành những quy định của Nhà nước về an toàn VSLĐ. Nhất là ở thời đại “bùng nổ” công nghệ, các doanh nghiệp đầu tư đưa vào sử dụng, vận hành nhiều thiết bị, máy móc mới, hiện đại, công nghệ cao, nên việc đầu tư cho công tác an toàn VSLĐ càng được coi trọng.
Chuyện an toàn VSLĐ, ông Chu Văn Chiến, Trưởng Phòng Tổ chức Công ty CP Hợp kim sắt (Gang thép Thái Nguyên) cho biết: Nhằm bảo đảm lợi ích cho Công ty và NLĐ, chúng tôi đã xây dựng được nội quy lao động, thỏa ước với NLĐ. Công ty và NLĐ cùng hợp tác, phát triển.
Còn ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải chia sẻ: Do Công ty quan tâm, chịu đầu tư cho công tác an toàn VSLĐ; NLĐ được tập huấn, huấn luyện về an toàn VSLĐ nên không xảy ra tai nạn lao động dẫn đến chết người.
Ông Lê Mạnh Cường, cán bộ phụ trách công tác an toàn VSLĐ của Công ty CP Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên nói: Công ty tự tổ chức kiểm tra, huấn luyện an toàn VSLĐ cho NLĐ 2 lần/năm. Đồng thời thuê đơn vị có đủ năng lực về tập huấn an toàn VSLĐ cho NLĐ. Chúng tôi chia NLĐ thành 6 nhóm đối tượng khác nhau để tổ chức tập huấn từng nội dung phù hợp.
Đội ngũ điều hành của Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI đảm bảo an toàn trong giờ trực.
Chia sẻ với doanh nghiệp, trong 5 năm gần đây, các cơ quan chức năng đã in ấn, phát hành hơn 50.000 ấn phẩm; hơn 50.000 tờ rơi, áp phích có nội dung tuyên truyền về an toàn VSLĐ đế cấp phát miễn phí. Tổ chức hơn 250 lớp tập huấn cho gần 25.000 lượt chủ doanh nghiệp và cán bộ làm công tác an toàn VSLĐ.
Riêng năm 2020, toàn tỉnh có hơn 100.000 NLĐ được huấn luyện về an toàn VSLĐ, đạt gần 50% tổng số lao động đang làm việc tại gần 4.000 doanh nghiệp.
Do triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, nhận thức của doanh nghiệp và NLĐ từng bước được nâng cao. Nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư các trang thiết bị an toàn lao động, bảo hộ lao động, kiên quyết không để NLĐ chưa được huấn luyện về an toàn VSLĐ, hoặc không chấp hành các quy định về an toàn VSLĐ vào vị trí làm việc.
Điển hình như Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV; Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI; Công ty TNHH KSD Vina có 100% vốn nước ngoài… đưa ra quy ước: NLĐ không tuân thủ các quy định về an toàn VSLĐ sẽ không được vào vị trí làm việc, thậm chí bị cắt hợp đồng lao động.
Những bất cập không bảo đảm an toàn VSLĐ được các doanh nghiệp chủ động khắc phục ngay. Đây chính là cách ứng xử có văn hóa, biết tôn trọng sức khỏe, tính mạng NLĐ của doanh nghiệp. Trong thời hội nhập quốc tế, đây cũng là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo dựng thương hiệu mạnh.