Quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế luôn được bảo đảm và mở rộng

15:29, 05/08/2021

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện chi trả với số tiền hơn 100.000 tỷ đồng cho khoảng từ 160 đến 185 triệu lượt người đi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT.

Điều này khẳng định, cùng với ngân sách nhà nước, quỹ BHYT là nguồn tài chính đóng góp đáng kể cho việc KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay, có hơn 87,4 triệu người dân tham gia BHYT, với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 90% dân số. Thống kê cho thấy, thực tế có khoảng 60%-70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT để KCB; tần suất KCB của người dân là 2-2,1 lần/năm. Đây là tỷ lệ rất lớn, cho thấy vai trò quan trọng của chính sách BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước ta.

Trong những năm qua, ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính khác... Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả khoảng từ 1.500 đến 1.700 tỷ đồng cho bệnh nhân đặt stent động mạch vành và hàng nghìn tỷ đồng cho các bệnh nhân đặt thủy tinh thể nhân tạo. Chỉ cần ví dụ từ việc quỹ BHYT đã chi trả cho hai vật tư nhân tạo này, có thể thấy người tham gia BHYT đang được hưởng lợi rất nhiều từ quỹ BHYT, tính cộng đồng, sẻ chia đang thể hiện rõ ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT.

Theo số liệu thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT từ ngày 1-1 đến 2-7, cả nước có 75,58 triệu lượt KCB BHYT với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là hơn 48.774 tỷ đồng, trong đó có: Hơn 68,6 triệu lượt KCB ngoại trú với số tiền đề nghị thanh toán hơn 18.740 tỷ đồng; gần 7 triệu lượt KCB nội trú với số tiền đề nghị thanh toán hơn 30.033 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 213 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; 25 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán hơn 1 tỷ đồng. Ví như bệnh nhân ở xã Trung Thành (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) điều trị rối loạn chảy máu di truyền hai lần tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), chi phí đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 2,07 tỷ đồng. Một bệnh nhân khác ở khu phố Hòa Hội (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy khi sốc nhiễm khuẩn đã được quỹ BHYT thanh toán 1,7 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, việc tiếp cận các dịch vụ KCB BHYT của người tham gia đang ngày càng tốt hơn, điển hình như việc thực hiện: Chính sách thông tuyến huyện trong KCB BHYT từ năm 2016; thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc từ năm 2021. Theo đó, người bệnh có thẻ BHYT có thể điều trị nội trú với bất cứ cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh nào trên toàn quốc, giúp người bệnh thuận tiện hơn trong việc KCB.

Năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng mọi mặt tới các lĩnh vực kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân. Trong giai đoạn khó khăn này, quyền lợi người tham gia BHYT vẫn luôn được BHXH Việt Nam phối hợp bảo đảm và thực hiện kịp thời. Thực hiện quy định về PCD COVID-19, BHXH Việt Nam đã tích cực cùng các bộ, ngành hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT trong chuyển tuyến, hẹn tái khám, cấp thuốc dài ngày, cấp thuốc cho người bệnh mạn tính từ 2 đến 3 tháng, tránh cho người bệnh phải đến cơ sở y tế nhiều lần, hạn chế lây nhiễm COVID-19; trong thời gian bị cách ly y tế, nếu chẳng may bị ốm, người bệnh được cấp phát thuốc và được quỹ BHYT thanh toán như tất cả các trường hợp đúng tuyến...

Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) Nguyễn Hoàng Phương cho biết, từ ngày 1-6, nhằm giúp người bệnh được thuận tiện hơn trong KCB BHYT, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 lần thứ ba và thứ tư diễn biến phức tạp, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở KCB BHYT đưa vào sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID-Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động (cùng với giấy tờ tùy thân) của người tham gia để thay thế cho thẻ BHYT giấy khi đi KCB. Việc triển khai ứng dụng VssID là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam.