Dịch COVID-19 lây lan với tốc độ nhanh chóng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Đối với tỉnh Thái Nguyên, mặc dù đã thực hiện phòng ngừa và kiềm chế tốt dịch nhưng vẫn có nhiều người lao động, công nhân bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức ở thời điểm này thực sự có ý nghĩa đối với người lao động, tiếp thêm động lực để họ vượt qua gian khó.
Công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) thuộc diện F1 bị cách ly tập trung hoặc F2 cách ly tại nhà là những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng trong các đợt dịch COVID-19 vừa qua. Nhằm hỗ trợ các đối tượng này, doanh nghiệp và công đoàn các cấp đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó có việc đảm bảo thu nhập hằng tháng và hỗ trợ tiền mặt, hiện vật trong thời gian cách ly.
Chị Nguyễn Thị Xuân, công nhân Công ty TNHH Daesin, KCN Điềm Thụy là một trong số F1 của bệnh nhân 5999 cho biết: “Trong thời gian cách ly tập trung, tôi được chi trả mức lương cơ sở vùng, hỗ trợ tiền ăn. Công đoàn các cấp còn hỗ trợ tiền mặt hơn 70 nghìn đồng/ngày, được tặng quà và thăm hỏi động viên”.
Sau khi cách ly tập trung và tại nhà theo quy định, chị Xuân đã được công ty tiếp nhận lại làm việc vào cuối tháng 6 với vị trí cũ. Anh Phan Văn Tưởng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Daesin thông tin: Doanh nghiệp của chúng tôi có 8 trường hợp F1 và hơn 30 F2 của bệnh nhân 5999. Công ty đã trực tiếp hỗ trợ những công nhân phải cách ly theo mức lương cơ sở vùng, đóng bảo hiểm xã hội và thực hiện đầy đủ chính sách cho người lao động.
Ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, Công đoàn các KCN tỉnh đã áp dụng chính sách hỗ trợ hơn 70 nghìn đồng/ngày cho tất cả công nhân thuộc diện phải cách ly tập trung. Đồng thời tặng nước rửa tay sát khuẩn, trang bị bảo hộ và quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Theo thống kê, từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6-2021, Công đoàn các KCN tỉnh đã hỗ trợ cho 780 người là F1 cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà có hoàn cảnh khó khăn.
Tổng số tiền chi cho các hoạt động chăm lo đời sống người lao động và ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 là gần 1,2 tỷ đồng. Đồng thời chỉ đạo 3 công đoàn cơ sở có công nhân lao động là F1 phải đi cách ly tập trung thương lượng với lãnh dạo doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí cách ly cho đoàn viên, công nhân lao động với tổng số tiền gần 139 triệu đồng.
Đối với công nhân, người lao động, sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có ý nghĩa rất thiết thực. Thấu hiểu điều này, tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương của cả nước sớm thực hiện các quyết định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn.
Theo tổng hợp kết quả rà soát đợt 1 từ các sở, ngành, địa phương, toàn tỉnh có 872 doanh nghiệp, đơn vị, 7.811 người lao động có hợp đồng; 2.024 hộ kinh doanh và 8.550 lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch, với tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ khoảng 22,6 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 1 doanh nghiệp vay vốn ưu đãi số tiền hơn 3 tỷ đồng để trả lương người lao động, phục hồi sản xuất; làm thủ tục phê duyệt hỗ trợ 31 người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương với tổng số tiền 131 triệu đồng.
Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng thực hiện xong việc giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với 2.970 đơn vị, 162.356 người lao động. Chị Nguyễn Thị Phương Ngân, giáo viên Trường Mầm non Quốc tế Hoa Trạng Nguyên (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Nguồn hỗ trợ kịp thời rất ý nghĩa, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn phải đi thuê nhà hoặc nuôi con nhỏ.
Thực hiện quyết định của Chính phủ, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đang tích cực đôn đốc, hướng dẫn các đối tượng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định; tiếp tục tuyên truyền, rà soát, đảm bảo người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận và được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định. Từ đó giúp doanh nghiệp và người lao động thêm động lực vượt qua đại dịch.