Tết trông trăng yên bình

08:16, 19/09/2021

Không “trống giong cờ mở”, không tổ chức múa lân, múa rồng và không rước đèn Trung thu dọc các tuyến phố, Trung thu năm nay sẽ là một Tết trông trăng yên bình, đoàn tụ, đầm ấm, bảo đảm an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Ở nhà, cơ hội cho các thành viên trong gia đình được gần gũi, chia sẻ yêu thương, cùng làm các món bánh, tỉa hoa, gọt quả, cùng nhau phá cỗ, ngắm chàng Cuội, đợi chị Hằng.

Nhìn bọn trẻ ríu rít quanh mâm quà Tết Trung thu, thỉnh thoảng lại trông lên màn hình ti vi xem trò hội trăng rằm, nhiều ông bà, cha mẹ chợt nhận ra rằng: Vì cuộc sống bận rộn, mọi thành viên trong nhà mải miết chạy theo một lập trình định sẵn. Người lớn làm việc, trẻ nhỏ đến trường, ngày rằm Trung thu thì kéo nhau đi rước đèn... Bận rộn thường nhật làm các thành viên trong nhà mất đi cơ hội chăm sóc nhau.

Nhưng Tết trông trăng năm nay không lặp lại như thế. Bởi đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều hoạt động xã hội. Trung thu năm nay trở thành một kỳ tết nhắc nhở mọi người tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, lại đồng thời tổ chức chăm lo cho trẻ em vui đón trăng rằm. Và không quên phổ biến, tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình, cộng đồng về các kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn, bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Với tinh thần đó, trong thời gian vừa qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó có người lao động mang thai, người nuôi con dưới 6 tuổi và các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Đặc biệt, dịp Trung thu này, nhiều trẻ em là con của những cán bộ y tế, lực lượng đang ở tuyến đầu chống dịch phải chịu thiệt thòi hơn. Các em phải ở cùng ông bà, hoặc tự chăm nhau để cha mẹ yên tâm làm nhiệm vụ, quyết giành giật sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.

Vậy nên ngoài “đồng quà, tấm bánh” dành cho trẻ thơ, Tết trông trăng này còn mang ý nghĩa khuyến khích, động viên những con người đã quả cảm hy sinh hạnh phúc riêng, gồng mình chiến đấu với kẻ thù mang tên COVID-19.

Để tiền tuyến vững lòng, nơi hậu phương, con của các anh, chị đều có quà nhân dịp Tết Trung thu. Dù giá trị không nhiều, nhưng thể hiện sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước và cả cộng đồng dành cho các cháu.

Không chỉ Tết trông trăng, mà từng ngày, từng giờ, trẻ em đều nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng.

Nhằm bảo đảm an toàn trong đại dịch, các bé được ông bà, cha mẹ chăm lo đón Tết Trung thu ở nhà.

9 năm gần đây, Thái Nguyên được Cục Trẻ em (Bộ Lao động - TBXH) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá là 1 trong 10 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện tốt quyền trẻ em. Trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã huy động được gần 18,5 tỷ đồng từ nhiều nguồn để dành cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Đến nay có 90,5% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; 90% trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại được hỗ trợ, can thiệp; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý, theo dõi...

Để có được những kết quả này, các cấp, ngành của tỉnh đã vào cuộc, cùng “chia ngọt sẻ bùi”, đóng góp công sức với mục đích là mọi trẻ em đều được hạnh phúc. Điển hình là Sở Lao động - TBXH đã tổ chức 86 lớp tập huấn về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; in, phát hành 7.000 cuốn Luật Trẻ em; nhân bản gần 4.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em...

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 30 diễn đàn với các chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, “Trẻ em nói về quyền trẻ em”, “Cha mẹ với công tác quản lý, giáo dục con em trong gia đình”...

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh tổ chức hơn 50 cuộc tuyên truyền về Luật Trẻ em, phòng chống ma túy học đường, kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ...

Trở lại với Tết trông trăng thời COVID -19, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, hơn 2.300 khu dân cư thuộc 178 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều không tổ chức tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc gần và thực hiện nguyên tắc 5K.

Tuy nhiên, từng phần quà Trung thu vẫn được các thành viên ban công tác Mặt trận chuyển đến nhà cho các cháu cùng những lời chúc tốt đẹp.

Ông Trương Văn Thăng, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Đình, xã Cù Vân (Đại Từ) cho biết: Năm nay xóm tổ chức trao phần thưởng cho các cháu có thành tích học tập xuất sắc, thi đỗ đại học tại nhà văn hóa. Các cháu khác sẽ được các anh chị đoàn viên, thanh niên mang quà phát tại nhà.

Còn chị Hoàng Thị Tùng, người dân tộc Mông ở xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương), chia sẻ: Năm nay, nhà tôi chỉ giản đơn là mua mấy chiếc bánh dẻo, quả bưởi, tối ăn cơm sớm rồi trải chiếu trước sân nhà, vừa ngắm trăng vừa kể cho con nghe những câu chuyện thiếu nhi.

Trăng mùa Thu trong vắt, bao ánh mắt trẻ thơ từ sân nhà ngước nhìn lên bầu trời thoáng rộng, ngắm ông trăng già, nơi có chàng Cuội, chị Hằng như trong câu chuyện cổ tích mẹ kể con nghe.

Bà Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội nói: Dưới ánh trăng Thu dịu dàng, mọi trẻ em trên thế giới đều có quyền nhìn ngắm bình đẳng như nhau. Nhưng vẫn còn đó những bé em bị thiệt thòi vì thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ. Bù lại cho các em có hoàn cảnh không may ấy, chúng tôi thay cha mẹ hằng ngày chăm nuôi, dạy dỗ và tổ chức cho các em nhỏ đang sinh sống ở Trung tâm một Tết trông trăng yên bình, không ồn ào nhưng đầy tình yêu thương.