Mở cửa – nửa mừng, nửa lo

08:40, 24/10/2021

Sáng sớm, tôi đã thấy một người bạn gọi điện với giọng điệu vô cùng vui vẻ: Thái Nguyên nhà mình được “thông chốt” rồi phải không. Tôi ở vùng an toàn về, đã tiêm đủ hai mũi là không cần xét nghiệm test nhanh hoặc PCR đâu nhỉ?

Sau một hồi thông tin cho người bạn về những biện pháp mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh; hướng dẫn bạn vào Báo Thái Nguyên điện tử để có thể tìm hiểu thông tin kỹ hơn qua Văn bản số 5066, ngày 18-10-2021 về thực hiện biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn của UBND tỉnh, tôi đã nhận được lời hẹn hò sẽ về thăm quê vào cuối tuần của người bạn tri kỷ.

Đúng là “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa”. Mấy hôm trước, trong khi nhiều tỉnh đã “mở cửa” thì Thái Nguyên vẫn yêu cầu các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 (gọi tắt là chốt kiểm dịch) hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Nhiều người vào Thái Nguyên phải thực hiện các quy định ngặt ngèo như xét nghiệm test nhanh, xét nghiệm PCR nên bức xúc và đăng tải lên mạng xã hội.

Tuy nhiên, hầu hết người dân rất đồng tình với việc làm này bởi cũng vì “rắn” như vậy mà gần 2 năm nay, Thái Nguyên vẫn là vùng an toàn trong khi nhiều tỉnh lân cận xuất hiện các ổ dịch COVID-19 mới.

Dù vậy, thực hiện theo Nghị Quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, từ ngày 19-10-2021, Thái Nguyên đã chính thức “mở cửa” để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều người rất vui khi biết thông tin này. Chị Nguyễn Thu Thảo, phường Chùa Hang (T.P Thái Nguyên) nói: Tôi  kinh doanh các mặt hàng thời trang như quần, áo, kính mắt, túi, ví… Đợt vừa rồi dịch bệnh bùng phát, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên tôi không lấy được  hàng về bán. Khi Hà Nội kết thúc giãn cách, việc đi lại không khó khăn như trước nhưng mỗi lần đi lấy hàng là tôi phải xét nghiệm SARS-CoV-2 rất mất thời gian. Giờ, Thái Nguyên “mở cửa” việc đi lấy hàng đã thuận tiện hơn rất nhiều.

Nhiều người dân trong tỉnh cũng bày tỏ sự vui mừng khi Thái Nguyên “mở cửa” trở lại. Sự lưu thông này sẽ giúp cho các mặt hàng nông sản như bưởi, ổi, rau xanh… và đặc biệt là chè búp khô được vận chuyển đi các tỉnh bạn tiêu thụ dễ dàng, thuận lợi.

Chị Vũ Thị Thanh Hảo, HTX chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) cho hay:  Gần 4 tháng qua, việc vận chuyển chè búp khô đi bán gặp nhiều khó khăn, giá bán đến tay người tiêu dùng bị đội lên cao do giá cước vận chuyển tăng đáng kể. Giờ, mọi hoạt động đã cơ bản bình thường trở lại nên chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều.

“Mở cửa” đang tạo đà cho Thái Nguyên phục hồi kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho những người con xa quê được “hồi hương”. Anh Dương Quốc Chính, ở Hà Nội vui vẻ cho biết: Thái Nguyên nới lỏng mọi hoạt động, chúng tôi, những người con xa quê có thể trở về thăm người thân bất cứ lúc nào…

Đi cùng với niềm vui là nỗi trăn trở của không ít người dân. Lâu nay, Thái Nguyên vốn được xem là vùng xanh yên bình bởi đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch rất hiệu quả. Các chốt kiểm dịch chính là một trong những “thành trì” khá vững chãi để ngăn chặn dịch ngay từ các cửa ngõ vào tỉnh nay đã dỡ bỏ (từ ngày 19-10) khiến không ít người dân bày tỏ sự lo lắng.

Xã Đắc Sơn (Phổ Yên) tổ chức cho người dân ký cam kết thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19.

Anh Nguyễn Văn Hà, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho rằng: Từ khi nới lỏng, mỗi ngày có hàng trăm người từ tỉnh khác về Thái Nguyên. Không có sự kiểm soát từ các chốt, những trường hợp từ tỉnh ngoài vào Thái Nguyên, nếu chỉ đi, về trong ngày sẽ thoải mái đi, lại trên địa bàn tỉnh. Khi một trong những người này là F0 thì nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người dân trong tỉnh sẽ rất lớn.

Đồng tình với anh Hà, chị Lê Thị Mận, một người dân ở Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) nhận định: Theo văn bản chỉ đạo mới của tỉnh, người dân trở về địa phương phải tự khai báo y tế và thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe… theo quy định (nếu từ vùng có Cấp độ 4). Trong trường hợp chính quyền cấp xã không làm chặt; tổ COVID-19 cộng đồng giám sát không hiệu quả, nể nang nhau thì dịch có thể bùng phát.

Lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở nhất là khi hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 1,3 triệu dân, có nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn và trường đại học với số lượng công nhân, người lao động, sinh viên đông, trong khi lượng vắc xin được cấp để tiêm chủng phòng COVID-19 cho người dân còn ít (mới đáp ứng trên 32% dân số từ 18 tuổi trở lên).

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế nhận định: Việc thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ; Quyết định số 4800, ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng di chuyển giữa các tỉnh. Vì lẽ đó, trong thời gian tới, số người về từ các tỉnh phía Nam và việc đi lại của người dân tăng cao sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện dịch trên địa bàn tỉnh.

Bởi vậy, để những lo lắng của người dân không trở thành hiện thực, trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 và Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, nâng cao nhận thức người dân bằng nhiều hình thức, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng đang là ưu tiên hàng đầu của Thái Nguyên.

Cùng với đó là việc tiếp tục kiện toàn, bổ sung thành viên tổ COVID-19 cộng đồng, đội phản ứng nhanh, tăng cường rà soát, phát hiện người về từ vùng dịch để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; khi xuất hiện F0 trên địa bàn sẽ tổ chức truy vết nhanh, xử lý các tình huống dịch bệnh không để lây lan trên diện rộng.  Đặc biệt là việc xây dựng Kế hoạch, kịch bản ứng phó với tình hình hình dịch trên địa bàn theo Hướng dẫn tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ; Quyết định số 4800 của Bộ Y tế và các phương án cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế…