Thích ứng linh hoạt, đề cao cảnh giác

16:48, 20/10/2021

Sau nhiều ngày thực hiện các biện pháp siết chặt phòng, chống dịch COVID-19, đến nay Chính phủ đã chính thức có Nghị quyết về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Chính phủ chủ trương, thích ứng linh hoạt nhưng phải “tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết”. Điều đó cho thấy, dù có “mở cửa”, các địa phương vẫn phải đề cao cảnh giác, không được lơ là trong phòng chống dịch.

Thực tế trên thế giới và ở nước ta qua đợt dịch thứ tư vừa rồi đã cho thấy, nếu cứ kéo dài giãn cách xã hội để phòng, chống dịch sẽ tổn hại lớn cho nền kinh tế, khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy. Hơn nữa, biện pháp  này cũng tác động tiêu cực đến đời sống, tâm lý nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Ở thời điểm này, khi kinh nghiệm bước đầu chống dịch của chúng ta đã có, vắc xin tuy chưa đủ nhưng cũng có thể bao phủ diện rộng, hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở dần được trang bị hoàn chỉnh hơn… thì cần phải thay đổi quan điểm ứng phó “từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh”. 

Chính phủ thống nhất chỉ đạo phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; y tế là trụ cột; cách ly, xét nghiệm là then chốt; vắc xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết. Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, đề cao ý thức của nhân dân trong phòng, chống dịch. Thích ứng an toàn, vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm trong sản xuất an toàn.

Với Thái Nguyên, ngay sau khi Chính phủ chỉ đạo, tỉnh đã triển khai thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Trong đó, ngoài nới lỏng các hoạt động ở cộng đồng và điều kiện di chuyển ra vào tỉnh theo quy định, tỉnh áp dụng các biện pháp linh hoạt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Theo đó, từ ngày 19-10, tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn được tái khởi động trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đó là: Tất cả doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạo mã QR điểm khai báo y tế để quản lý thông tin khách hàng, phục vụ công tác truy vết. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người lao động, khách hàng ra vào đơn vị hàng ngày. Thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm để chủ động phòng, chống dịch. Duy trì xét nghiệm định kỳ cho người lao động và chỉ tuyển dụng lao động từ vùng được đánh giá nguy cơ cấp độ thấp vào làm việc…

Cùng với đó, các hoạt động giáo dục, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và các hoạt động ở nơi công sở đều được quy định rõ ràng trên cơ sở thích ứng linh hoạt, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Điều đó thể hiện rõ chủ trương, chúng ta thích ứng linh hoạt và không được chủ quan, buông lỏng công tác phòng, chống dịch bởi dự báo tình hình dịch COVID-19 trên thế giới chưa thể kiểm soát được trong năm nay và cả năm 2022, nhất là khi Thái Nguyên giáp ranh với các địa phương đang có dịch và nguy cơ cao xuất hiện dịch bệnh.