Trước kia, việc vận động hộ dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh xây dựng nhà tiêu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, từ sự tuyên truyền, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, nhận thức của bà con đã thay đổi, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng tăng lên.
Cách đây 3 năm, không ít gia đình ở xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) không có nhà vệ sinh hoặc có nhà tiêu nhưng không hợp vệ sinh. Hết năm 2018, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn xã mới chỉ đạt 58%. Trong khi đó, theo lộ trình xây dựng nông thôn mới, Tân Lợi phấn đấu về “đích” vào cuối năm 2020, theo đó, xã bắt buộc phải hoàn thành nội dung tiêu chí về vệ sinh môi trường nông thôn. Ông Ngô Văn Chuyền, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lợi chia sẻ: Khi đó, đây là bài toán khó đối với một xã còn nhiều khó khăn như Tân Lợi.
Để hoàn thành tiêu chí này, xã Tân Lợi tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân xây nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tổ chức cho các hộ chưa có nhà tiêu đến tham quan nhà tiêu tự hoại của một số gia đình trên địa bàn. Ngoài ra, xã lựa chọn và hỗ trợ kinh phí theo Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn cho 100 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh để xây nhà tiêu mới.
Nhờ đó, hết năm 2019, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh của xã đã đạt trên 70%. Đến nay, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, có công trình nước sạch và có điểm rửa tay bằng xà phòng của xã Tân Lợi đã tăng lên, đạt 91% trong tổng số 1.222 hộ.
Không chỉ riêng Tân Lợi, vài năm trở lại đây, việc vận động các hộ dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đã được các địa phương trong tỉnh chú trọng. Trước đây, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thực hiện hỗ trợ với mức tối đa là 60% giá trị công trình cho hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới hỗ trợ người dân khu vực nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Trưởng Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) thông tin: Các địa phương đã chủ động trong công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhiều nơi có cách làm hay như chỉ đạo các đoàn thể, thôn, bản huy động lực lượng, tích cực hỗ trợ ngày công giúp các hộ khó khăn xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ vậy, ý thức bảo vệ môi trường của các hộ dân ngày càng nâng cao. Số nhà tiêu hợp vệ sinh khu vực nông thôn trên địa bàn Thái Nguyên không ngừng tăng.
Mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh vẫn có gần 7.000 hộ xây nhà tiêu mới đáp ứng tiêu chuẩn. Đến nay, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 85%. Riêng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tăng từ mức 66% (năm 2018) hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh lên 72%.
Tiêu chí về vệ sinh môi trường dù đã được quan tâm triển khai, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân để từ bỏ thói quen lạc hậu. Chỉ khi người dân chuyển biến về nhận thức, coi công trình nhà tiêu hợp vệ sinh dù là “công trình phụ” nhưng lại không thể thiếu trong mọi gia đình thì việc hỗ trợ vùng nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số đảm bảo tiêu chí vệ sinh môi trường mới thực sự đạt hiệu quả.