Nguy cơ nhiễm dịch từ “xe chung”

18:11, 05/11/2021

Khách lên xe không được yêu cầu sát khuẩn, khai báo y tế (bằng giấy hoặc quét mã QR) là thực trạng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tự phát theo hình thức “xe chung”, “xe ghép”. Trong tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương diễn biến phức tạp, hình thức kinh doanh này đang tiềm ẩn nguy cơ cao về lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Để tìm hiểu thực tế hoạt động kinh doanh “xe chung” “xe ghép” sau khi Thái Nguyên xuất hiện nhiều ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, sáng 5-11, chúng tôi đã “vào vai” những khách hàng có nhu cầu bắt xe xuống Hà Nội. Chỉ sau chưa đến 1 phút đăng thông tin “Muốn đặt 1 chỗ từ Thái Nguyên xuống Hà Nội” trên nhóm một trang Facebook, chúng tôi đã nhận được hàng loạt cuộc điện thoại của các tài xế “xe chung”.

Cuộc gọi đầu tiên là của một tài xế xe 16 chỗ, nhận thấy nguy cơ tiếp xúc nhiều người nên chúng tôi từ chối. Ngay sau đó, chúng tôi tiếp tục nhận được cuộc gọi và đồng ý đi xe của người tự xưng tên C. lái xe 4 chỗ.

Chưa đầy 15 phút sau, một chiếc xe 4 chỗ đã đến đón chúng tôi đúng vị trí. Lên xe, tài xế tự xưng tên C. rất niềm nở hỏi địa điểm chúng tôi muốn đến tại Hà Nội, nhưng không hề nhắc tới việc lấy thông tin khách hàng hay khai báo y tế. Đi xe được 10 phút, tôi lựa lời hỏi:

-       Dịch thế này, anh lo lắng không?

-       Lo lắm chứ, mỗi ngày em tiếp xúc hàng chục người, toàn chẳng biết người ấy là ai, chỉ sợ vô tình “vấp phải F0”

-       Vậy sao mình không in mã QR để khách hàng quét hoặc yêu cầu khai báo y tế bằng giấy?

-       Thực ra xe này có phải kinh doanh vận tải đâu anh. Chúng em làm thế cũng khó, phiền hà hành khách lại không thích...

Theo chia sẻ của tài xế C., sau khi Thái Nguyên xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, lượng người đặt xe đi lại giữa Hà Nội - Thái Nguyên có giảm so với những ngày cuối tháng 10 nhưng vẫn đủ duy trì hoạt động kinh doanh. Giá dịch vụ thời điểm dịch bùng phát cũng tăng và không cố định, chủ yếu do thỏa thuận giữa khách và chủ xe. Đi từ Thái Nguyên đến Hà Nội, giá dao động từ 150-200 nghìn đồng/người/lượt; bao xe từ 500-600 nghìn đồng/xe 4-5 chỗ; gửi hàng từ 120-150 nghìn đồng/đơn hàng.

Bên trong chiếc “xe chung” khi đang trên đường từ Thái Nguyên đi Hà Nội.

Khách hàng lên xe không bị yêu cầu mang theo bất cứ giấy tờ gì và cũng không cần khai báo y tế. Các tài xế cũng không thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 từ ngày 20-10 đến nay.

Tiếp tục tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, mặc dù dịch COVID-19 đang xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh song hoạt động kinh doanh vận tải tự phát bằng hình thức “xe chung”, “xe ghép” vẫn diễn ra khá nhộn nhịp, vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và không bảo đảm phòng, chống dịch.

Không chỉ có “xe chung”, “xe ghép” đi liên tỉnh: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…, trên địa bàn tỉnh cũng tồn tại hoạt động kinh doanh “xe chung”, “xe ghép” tự phát kết nối T.P Thái Nguyên với các huyện: Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai…

Đây đều là những phương tiện cá nhân kinh doanh dịch vụ núp bóng xe gia đình, chạy với tần suất liên tục, không theo giờ, cung đường cố định, đưa đón khách khắp nơi, không mất phí bến bãi, không nộp thuế kinh doanh, không mua bảo hiểm hành khách…

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tính toán nhiều phương án, nhưng chưa có giải pháp phù hợp, hiệu quả với  hoạt động kinh doanh “xe chung”, “xe ghép” tự phát qua mạng xã hội.

Đại diện Sở Giao thông - Vận tải khuyến cáo, khi chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, dịch vụ “xe chung”, “xe ghép” tự phát có thể nảy sinh nhiều bất cập, nhất là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, người dân nên lựa chọn dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị vận tải được cấp phép và chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19.