Ấm lòng vượt qua “sóng dữ”

07:51, 30/12/2021

Đại dịch COVID-19 khiến bao người lâm vào cảnh khốn khó. Trong cơn hoạn nạn ấy, tình nghĩa cộng đồng, sự đùm bọc, sẻ chia lại một lần nữa được khơi dậy. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh thái Nguyên đã kịp thời tiếp sức cho người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty C.P Thương mại và Du lịch Hà Lan, kinh doanh trong lĩnh vực vận tải chia sẻ: Dịch COVID-19 khiến chúng tôi đang làm ăn tấn tới bỗng trở nên khốn khó. Với trên 300 đầu xe, trước đây, chạy hết công suất, nay số đầu xe chạy đếm trên đầu ngón tay, phải cắt giảm gần một nửa số lao động. Thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp (DN), tháng 8 vừa qua, đơn vị được ngân hàng cho vay trên 3 tỷ đồng, với lãi suất 0% để trả lương cho công nhân. Tuy số tiền không lớn nhưng tôi cảm thấy ấm lòng vì được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện giải quết khó khăn trước mắt.

 Chị Nguyễn Thị Thảo Phương, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) mở spa làm đẹp, nhưng từ khi xuất hiện dịch COVID-19 hầu như không có khách. Chị được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo chính sách của Nhà nước. Chị chia sẻ: “Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng tôi cảm thấy rất vui, vì nhận được sự quan tâm của Chính phủ ”. Và còn rất nhiều người khó khăn, hoạn nạn đã nhân được sự quan tâm, hỗ trợ như chị Phương.Ví như 3 bố con anh Nguyễn Đức Hiếu, tổ 4, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) không may trở thành F1 phải đi cách ly đã nhận được hỗ trợ gần 5 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Ly, giáo viên dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Thiên Nhiên Kỷ (Đồng Hỷ) được nhận hỗ trợ hơn 5 triệu đồng…

Cán bộ phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) trao kinh phí hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo số liệu từ Ủy ban MTTQ tỉnh, triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ kinh phí cách ly, ăn, ở, xét nghiệm cho 2.202 người lao động của tỉnh đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Bắc Giang trở về quê hương (với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng); hỗ trợ cho 3.107 giáo viên mầm non, phổ thông và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn thuộc diện thuê khoán (với số tiền gần 6 tỷ đồng); hỗ trợ trên 11.600 lao động xa quê, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 23,3 tỷ đồng; hỗ trợ gần 200 lao động tự do bị mất việc làm do dịch...

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Công an Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ nhớ lại: Giữa tháng 8 năm 2021, các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, con số nhiễm F0 xuất hiện lên đến cả chục nghìn người. Để ngăn chặn dịch lây lan, các tỉnh đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, với khẩu hiệu “Ai ở đâu ở yên đó”. Đã có hàng nghìn người dân của Thái Nguyên đi làm ăn tại các tỉnh bị mắc kẹt giữa tâm dịch.

Thời điểm đó, khi nhận được thông tin cần hỗ trợ, chúng tôi cử ngay cán bộ xác minh để kinh phí đến được người cần hỗ trợ trong vùng dịch được sớm nhất. Còn anh Đào Duy Thái, Phó Giám đốc Giải pháp Công nghệ thông tin Viettel Thái Nguyên nói: Ngay sau khi nhận nhiệm vụ UBND tỉnh giao, chúng tôi bắt tay ngay vào xây dựng nền tảng kỹ thuật số, cập nhật dữ liệu để hỗ trợ người dân được nhanh nhất.

Ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: “Việc hỗ trợ kịp thời của tỉnh đối với người dân chịu tác động xấu bởi dịch COVID-19 không những giúp họ vơi bớt khó khăn mà còn thắp sáng niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin chiến thắng dịch COVID-19.”