Cậu chúng tôi – Liệt sĩ Nguyễn Bản Nguyên

05:32, 14/12/2021

Cậu Nguyễn Bản Nguyên là em kế mẹ tôi, hy sinh ngày 7/10/1947 trong trận chiến với quân Pháp tại Bắc Kạn, khi ấy cậu mới 20 tuổi… Chúng tôi được cha mẹ sinh ra, nuôi khôn lớn, biết về cậu Nguyên qua tấm bằng Tổ quốc ghi công bà ngoại treo trang trọng nơi bàn thờ tổ tiên giữa nhà.

Thỉnh thoảng chúng tôi có hỏi bà về cậu, bà chỉ bảo: Hoà bình năm 1954 rồi, xã mang bằng, giấy báo tử đến nhà và thông báo cậu chiến đấu và hy sinh trong trận giặc Pháp nhẩy dù Bắc Kạn cuối năm 1947. Tất cả chỉ có vậy!

Huyện Duy Tiên quê tôi nằm trong vùng chiêm trũng của tỉnh Hà Nam. Giữa đồng bằng phì nhiêu và luôn úng ngập nhô lên 2 ngọn núi, tổ tiên đặt tên một ngọn là Đọi, một ngọn là Điệp. Cả 2 ngọn đều trông về hướng Đông, nơi có dòng Châu Giang, Hồng Hà êm đềm cõng phù sa bồi đáp đôi bờ rồi chảy ra biển. Long Đọi Sơn là ngôi chùa thời Lý hơn nghìn năm tuổi toạ lạc trên đỉnh núi Đọi. Chân núi cư dân xã Đọi Sơn ở quây quần, sung túc. Lễ hội Tịch Điền mùng Bẩy Tết, tương truyền vua Lê Đại Hành toạ thuyền rồng theo dòng Châu Giang đi tuần thú, thấy cảnh đẹp mà xuống thuyền rồng dạy dân cấy cầy, vì vậy hơn nghìn năm rồi năm nào cũng tổ chức.

Bên đỉnh núi Điệp cũng có chùa nhưng nhỏ, trên đó có cây đa rất to. Thời giặc Pháp chiếm đóng, chúng xây dựng trên đó một hệ thống đồn bốt, khống chế cả một vùng rộng lớn bao gồm cả Hưng Yên, Nam Định. Vùng quê này làm cách mạng kiên chung nổi tiếng. Vì thế giặc hay càn quét. Mỗi lần chúng bắt được cán bộ Việt Minh hay du kích đều đưa lên bốt tra tấn dã man rồi thủ tiêu. Câu đồng dao:

              “Ai qua dẫy núi Điệp Sơn?

               Núi cao bao tấc căm hờn bấy nhiêu

               Hàng ngày cứ đến buổi chiều

  Cây đa bốt Điệp chúng treo giết người”

Ra đời như thế. 

Rời làng Điệp một đoạn đến một ngôi đình có tên Lũng Xuyên, vừa là quê hương vừa là căn cứ hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ cờ Tổ quốc để khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh lần đầu tung bay…

Bà ngoại tôi - một thôn nữ đẹp người, tốt nết bên làng dệt lụa Nha Xá tên là Nguyễn Thị Nghệ về làm dâu họ Nguyễn làng Điệp Sơn, làm vợ thày ký Nguyễn Văn Tưởng. Mẹ tôi chào đời năm 1920, cậu Nguyên năm1927, rồi lần lượt dì Nguyễn Thị Châm, cậu Nguyễn Trung Thứ, dì Nguyễn Thị Bình, cậu Nguyễn Mạnh Tăng, dì Nguyễn Thị Bẩy, bà ngoại kết thúc sinh nở bằng dì Nguyễn Khánh Tường vào năm 1946. Đây cũng là năm cậu Nguyên nhập ngũ, sau khi đã cưới vợ, một cô con gái cùng làng có tên Thầm - Lê Thị Thầm. Ông ngoại tôi - ông Ký Tưởng, ít khi có nhà, ông làm kế toán cho một chủ trang trại trên Thái Nguyên rồi ốm, mất.

Bà ngoại tôi là tất cả: Sinh con,nuôi con, dựng vợ, gả chồng, tiễn con vào bộ đội, du kích rồi nhận giấy báo tử của 2 con trai,1 con rể bộ đội  là chồng dì Châm tên Lê Đình Sỹ, quê huyện Phong Điền, Thừa Thiên, sống cùng nhà...Rồi nuôi giấu du kích, cán bộ nằm vùng cùng đàn cháu mồ côi…Đi qua 2 cuộc chiến tranh với bao nhọc nhằn, lo toan vất vả, bà ngoại tôi còng gập cả lưng, về với tiên tổ vào đúng ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng Mười tháng Ba năm 1979. Bà về mà tâm khảm còn đau đáu về 2 con trai, một chống Pháp, một chống Mỹ đang nằm chỗ nào trong bạt ngàn rừng xanh kia?

                                                                                                   ***

Làm báo, tôi cũng có một số năm đi lại, làm việc tại Bắc Kạn. Con đường từ thị xã Bắc Kạn vào Bằng Lũng, trung tâm huyện Chợ Đồn - nơi sau này tìm ra cậu Nguyên hy sinh đầu tháng 10 năm 1947 tôi cũng đã qua lại nhiều. Và, tôi cũng để tâm tìm hiểu về việc Pháp nhẩy dù Bắc Kạn, tóm tắt như sau: “Pháp nhẩy dù Bắc Kạn” nằm trong Chiến dịch Việt Bắc Thu đông năm 1947, với mục tiêu là bắt sống hoặc tiêu diệt Chính phủ kháng chiến của ta.

Pháp đã huy động 12.000 quân và hầu hết máy bay, tầu chiến ở Đông Dương cho chiến dịch. Đường sông,chúng tiến quân theo dòng sông Lô. Đường bộ, cho lính dù đổ bộ Bắc Kạn và Thái Nguyên. Pháp cử Đại tá Henri Sauvagnac chỉ huy 800 lính dù đổ bộ Thị xã Bắc Kạn, vì chúng nhận định nơi đây là “Thủ đô mới của Chính phủ cụ Hồ”.

Ngày 7/10/1947, khi Pháp nhẩy dù tập kích, Thị xã Bắc Kạn chỉ có một bộ phận của tiểu đoàn 49 bộ đội chủ lực ta; 1 tiểu đoàn tân binh đóng quân tại Trường võ bị Trần Quốc Tuấn và một số cơ quan, đơn vị. Hai đơn vị đã nổ súng, chiến đấu quả cảm đế bảo vệ cán bộ, nhân dân theo đường rừng rút về ATK Chợ Đồn, Định Hoá. Giặc Pháp phá được Xưởng in tiền và Xưởng quân giới, một số kho tàng và bắt được cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội và giết hại cụ. Giặc chiếm được nhiều nơi trên địa bàn Việt Bắc, sau đó lại phải chịu thất bại thảm hại bởi các đòn phản công và lối đánh du kích tài tình của ta. Cơ quan đầu não của kháng chiến và Hồ Chủ tịch an toàn. Trong khi vừa chiến đấu và rút quân, cậu Nguyên của chúng tôi đã hy sinh nơi bía rừng một bản nhỏ ven đường…

                                                                                                        ***

Năm 1997 tái lập tỉnh Bắc Kạn. Trong đội quân về công tác tại ngành Y tế của tỉnh mới có Phan Cường, em con dì của tôi, gọi liệt sỹ Nguyễn Bản Nguyên là bác. Cũng thời gian này, cậu thứ tư của tôi, Đại tá công an Nguyễn Mạnh Tăng, trưởng thành trong ngành từ những cuộc tiễu phỉ Tây Bắc, Tây Nguyên của lực lượng Công an vũ trang đã cao tuổi, có khát vọng tìm nơi 2 anh mình đã ngã xuống tại chiến trường Bắc Kạn năm 1947 và Quảng Trị năm 1967…nhắc nhở các cháu quan tâm.

Một người cậu họ của tôi là Nguyễn Văn Gia, là Phó Giám đốc sở Xây Dựng Bắc Thái cũng chiến đấu tại Bắc Kạn thời ấy gặp đồng đội cũ có nói về mấy chiến sỹ hy sinh tại một bản người Tày có tên là Bản Pè, ngày 7/10/1947 trên đường Bắc Kạn đi Chợ Đồn. Từ thông tin ít ỏi đó, Phan Cường quyết định lần tìm… Lục tìm hồ sơ tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh huyện Bạch Thông không thấy, Phan Cường lên xe máy và đi về hướng huyện Chợ Đồn. Chiếc Dream được sắm từ khoản tiền hỗ trợ đi công tác tỉnh mới, lốp còn chưa rụng hết Ta - Lông tự dưng thủng săm, ngay gần cửa một quán sửa chữa xe đạp, xe máy. Anh thanh niên chủ quán nở một nụ cươì tươi, chào khách và thao tác vá săm.

-Bây hư (anh đi đâu?)

-Tôi đi tìm một bản có tên là Bản Pè, Phan Cường đáp nhanh.

-Bản Pè đây. Người xuôi đi tìm mộ liệt sỹ à?

Phan Cường thoáng giật mình và tự hỏi. Sao thế nhỉ ? Rồi hỏi anh thanh niên chữa xe.   

–Sao chú lại hỏi anh thế?

-Cứ hỏi thôi. Ông nội, rồi bố dặn thế mà! Bao nhiêu năm nay đều hỏi thế.

Theo chỉ dẫn của anh thanh niên chữa xe, Phan Cường vào bản, đến nhà người già, ông nội thanh niên chữa xe.Trên sạp giát mai của ngôi nhà sàn to, rộng, ông Ma Tiến Vụ, năm ấy đã ngoài chín mươi tuổi, thấy có khách, rời bếp lửa ra cầu thang đón. Phan Cường chào cụ Vụ và hỏi han tuổi tác, bản làng...

-Cháu đi tìm liệt sỹ Nguyên, Hà Nam à? Phan Cường một lần nữa thoáng giật mình!

Cụ Vụ kể: Bộ đội vừa bắn trả địch truy kích,vừa rút lui về hướng Bằng Lũng. Có mấy chiến sỹ bộ đội ta hy sinh ngay tại bờ ruộng giáp bìa rừng. Đêm ấy có người quay lại lấy xác nhưng địch mai phục không lấy được, tên liệt sỹ ghi vội vào miếng vỏ cây nên sai đệm. Ngày 8 giặc rút, dân bản quay về thấy trên mỗi thi thể có miếng gỗ vỏ cây ghi tên và quê liệt sỹ. Dân Bản Pè chôn cất rồi cắm bìa gỗ ghi tên… Ông vụ thường xuyên qua lại nên nhớ rõ.

Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân xã Yên Nam, huyện Duy Tiên cử hành nghi lễ trang trọng đón Liệt sĩ Nguyễn Bản Nguyên tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương.

Ít năm sau, một vài mộ ai đó rời đi chỉ còn lại mộ liệt sỹ Nguyễn Bản Nguyên. Vài chục năm sau, nơi liệt sỹ Nguyên nằm, HTX lấy đất làm kho, mộ chuyển lên đồi. Theo cụ Vụ, Phan Cường đi tiếp 7 cây số gặp Bí thư Đảng uỷ xã Đông Viên nhờ xác định giùm ngôi mộ mà năm đó anh là người được giao di chuyển.

Đêm 13/12/1998 trời rét lắm. Cái rét vùng rừng núi nơi này như cắt da, cắt thịt. Chúng tôi đốt lửa giữa rừng chờ 2 giờ sáng di chuyển cậu Nguyên về quê… Hai lần di chuyển nên di vật không nhiều. Cậu Nguyễn Mạnh Tăng bọc cậu Nguyên trong vuông cờ Tổ quốc, cảm ơn chính quyền và bà con thôn bản, xin phép rời đi trước 5 giờ sáng.

Là sỹ quan công an cao cấp từ T.P Hồ Chí Minh ra lo việc cho anh là liệt sỹ nên Văn phòng Bộ Công an cấp chiếc xe Mazda mới mua. Cậu Tăng ôm gói vải đỏ ngồi trong xe, nhưng xe mãi không nổ được máy. Trong khi chúng tôi đi chiếc xe Von ga “cà cộ” của Hội Nhà báo Thái Nguyên thì máy nổ ròn tan, chờ đến mươi, mười lăm phút. Như nhận ra điều gì đó, Cậu Tăng xuống xe, trải chiếu, thắp hương, cậu vái lậy và khóc:

-Anh ơi! Anh cho chúng em và các cháu đưa anh về với mẹ và quê hương. Anh ở với bà con Bản Pè, Đông Viên, Bắc Kạn 51 năm rồi...Anh ơi! Để anh 51 năm nơi đây chúng em có lỗi nhiều. Nhưng do chiến tranh, loạn lạc, cả nhà mình đều tham gia cách mạng, chiến đấu không nghỉ... nay chúng em đi đón anh, chị Lê Thị Thầm - vợ anh, tuổi cao sức yếu không đi được chờ anh ở quê. Anh hy sinh, chị Tầm ở vậy trông nom mẹ 3 năm rồi mẹ thương, mẹ bắt đi bước nữa. Đưa anh về xong, em thu xếp vào Hải Lăng, Quảng Trị đón em của anh, Liệt sỹ Nguyễn Trung Thứ  về, có manh mối rồi anh ạ. Đi anh Nguyên, ta đi nào… Kỳ lạ, mầu nhiệm, người tài xế đề nhẹ, máy nổ ròn tan…Núi rừng nơi ấy bỗng nổi gió, rung cây xào xạc. Có tiếng gà rừng gáy le te và con chim rừng liên tục hót: “Khó khăn khắc phục, khó khăn khắc phục”.

Sáng 14/12/1998, Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân xã Yên Nam, huyện Duy Tiên đã trang trọng làm lễ đón cậu Nguyễn Bản Nguyên của chúng tôi về nghĩa trang quê nhà sau hơn 50 năm xa cách. Nơi cửu tuyền, bà ngoại chúng tôi - Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nghệ chắc đã mìm cười.