Khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh đã giảm hẳn; hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt. Kết quả này có được là do các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân.
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thường xảy ra ở các địa bàn miền núi, vùng cao như: Võ Nhai, Định Hóa… Đơn cử tại bản người Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), trước năm 2015, trung bình mỗi năm, địa phương có từ 7 đến 8 vụ tảo hôn. Hay như tại xã Vô Tranh (Phú Lương), nơi có dân trí khá cao cũng xuất hiện tình trạng tảo hôn. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Uyên, dân tộc Kinh, ở xóm Cầu Bình 1, lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi, nay dù mới 23 tuổi nhưng đã có 2 người con.
Tảo hôn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ phụ nữ; làm giảm chất lượng giống nòi, chất lượng dân số. Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh nói: Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm, chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đặc biệt, phụ nữ kết hôn sớm, có hôn nhân cận huyết thống khi sinh con rất dễ bị tử vong, bệnh tật và đứa con sinh ra cũng dễ tử vong hoặc bệnh tật, chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Những đứa trẻ được sinh ra từ các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống thì có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền Thalassemia.
Bởi vậy, nhiều năm qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật để người dân hiểu được tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thông được thực hiện đa dạng, dưới nhiều hình thức như thông qua các cuộc họp cấp xóm, xã; tuyên truyền trực tiếp tại hộ dân…
Đáng lưu ý, suốt những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, bình đẳng giới; phổ biến giáo dục pháp luật; hội nghị cung cấp thông tin cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Thông qua đó, nhận thức của bà con đã từng bước được nâng cao, nhất là lớp trẻ ở các bản, làng vùng cao của tỉnh.
Em Hầu Thị Kim Cúc, Xóm Lam Sơn, xã Cúc Đường, cho hay: Bố mẹ luôn động viên em học lên cao, không được lấy chồng sớm, sau này có công việc ổn định thì mới mong hết khổ. Bởi vậy, dù vất vả đến mấy, em cũng sẽ cố gắng học thật tốt.
Có thể khẳng định, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 117 vụ tảo hôn thì đến hết năm 2020 chỉ còn chưa đẩy 30 vụ. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, tình trạng hôn nhân cận huyết đã không còn.
Mặc dù tình trạng tảo hôn đã giảm đáng kể song tại một số bản, làng vùng cao của tỉnh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Bởi vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành nên thực hiện các biện pháp xử lý mạnh tay hơn. Ví như việc xét xử lưu động các vụ tảo hôn ở cơ sở. Năm 2015, Tòa án nhân dân huyện Phú Lương đã xét xử lưu động 2 vụ án liên quan đến tảo hôn tại xã Yên Trạch - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế. Việc 2 người chồng trong các vụ tảo hôn nêu trên bị xử lý theo quy định đã thể hiện được tính răn đe của pháp luật. Qua đó giúp cho công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về vấn đề này tại Yên Trạch và các địa phương lân cận đạt hiệu quả cao hơn.
Cùng với đó là nêu cao hơn nữa vai trò của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các bậc làm cha, mẹ cũng như vận động giới trẻ sống lành mạnh, hiểu được tác hại của việc mang thai sớm; cung cấp các biện pháp tránh thai để họ biết cách sử dụng và chấp nhận sử dụng để tránh có thai ngoài ý muốn…