Toàn tỉnh đã có 108 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 75/94 thôn bản, 19/63 xã thuộc vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Sự đồng thuận vào cuộc của các cấp, ngành đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, mở ra nhiều cơ hội vươn lên cho người dân ở những miền đất khó.
Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ
Để “Không ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tăng cường nguồn lực đầu tư và cân đối vốn trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo. Trong thời gian 5 năm gần đây, tổng nguồn lực từ ngân sách Trung ương cấp đạt gần 550 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đối ứng hơn 80 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo.
Các xã đặc biệt khó khăn được ưu tiên đầu tư trước, chủ yếu về xây dựng hạ tầng cơ sở. Kết quả là đã xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng tại những vùng đặc biệt khó khăn tổng số gần 600 công trình phúc lợi xã hội, như: Đường giao thông, nhà văn hóa, sân chơi thể thao, nhà lớp học, trạm điện...
Các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm được tăng cường; nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt hình thành mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đã có gần 100 mô hình giảm nghèo; gần 500 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với khoảng 42.000 lượt hộ tham gia. Qua kiểm tra, hầu hết các mô hình giảm nghèo đều mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và tiếp tục được nhân ra diện rộng.
Đặc biệt, từ năm 2019, chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng mức lên 100 triệu đồng/hộ (mức cho vay tối đa trước đó là 50 triệu đồng/hộ), lãi suất cho vay ổn định ở mức 6,6%/năm đối với hộ nghèo; 7,92%/năm đối với hộ cận nghèo, thời hạn cho vay tối đa 10 năm.
Nhiều cánh đồng mẫu lớn đang hình thành tại các địa phương (ảnh chụp tại cánh đồng xã Lương Phú, Phú Bình.
Cùng với trang bị kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ vốn vay đầu tư cho sản xuất, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh tích cực phối hợp với địa phương mở các lớp đào tạo nghề, hướng nông dân mở mang thêm nghề mới, nâng cao thu nhập.
Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Đã có gần 108.000 người lao động của tỉnh được tạo việc làm mới trong 5 năm gần đây. Riêng khu vực nông thôn có gần 11.000 người được đào tạo nghề. Sau học nghề, hầu hết người lao động có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập tăng. Nhiều hộ có người tham gia học nghề, có việc làm với thu nhập ổn định đã thoát nghèo; nhiều gia đình trở thành hộ làm kinh tế khá, giỏi ở địa phương.
Rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo
Chuyện giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, ông Hứa Đức Hùng, Phó Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Định Hóa tâm đắc: Các cấp, ngành và mọi người dân Thủ đô gió ngàn vừa cùng trải một hành trình kì tích. Đích đến của hành trình là “hạ thấp độ cao” về số hộ nghèo, hộ cận nghèo từ gần 9.000 hộ năm 2016, xuống còn hơn 3.000 hộ vào cuối năm 2021.
100% hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng được hỗ trợ nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Các cơ quan, đơn vị trao tiền hỗ trợ cho gia đình ông Phạm Ngọc Bình, xã Trung Lương, Định Hóa.
Còn ở huyện Võ Nhai, bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Do triển khai hiệu quả các dự án, chương trình hỗ trợ của Nhà nước, huyện từng bước thoát khỏi tình trạng khó khăn, số hộ nghèo đã giảm từ hơn 5.400 hộ năm 2016 xuống còn hơn 1.100 hộ năm 2021. Có 14 xóm được xóa tên trong danh sách đặc biệt khó khăn.
Năm 2021, toàn tỉnh giảm hơn 2.000 hộ nghèo. Đặc biệt có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng được hỗ trợ, giúp đỡ, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. |
Nhằm rút ngắn chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư, tạo nguồn lực để tăng phúc lợi, cải thiện điều kiện sống, giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội, hằng năm tỉnh đề ra chỉ tiêu giảm nghèo, giao cho các địa phương thực hiện. Các chính sách giảm nghèo được ban hành kịp thời, đồng bộ, phù hợp với từng năm và cả giai đoạn. Tạo điều kiện để chính sách an sinh xã hội, chính sách về giảm nghèo đi vào đời sống người dân. Qua đó, người nghèo, hộ nghèo, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.
Theo những cung đường mở mới về xóm bản là ánh sáng điện lưới quốc gia; khoa học kỹ thuật sản xuất; tiền vốn vay ưu đãi cho mô hình sản xuất...
Những khó khăn của hộ nghèo, cận nghèo được giải quyết thấu đáo thông qua việc triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước đúng, đủ, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách, củng cố vững chắc hơn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Khuyến khích người dân vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống, không để mình bị tụt lại phía sau.