Nhiều thành tựu trong công tác dân số

09:43, 24/12/2021

Trải qua 60 năm, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) ở nước ta đã đạt được những thành quả tốt đẹp. Cùng với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 60 năm đối với công tác DS - KHHGĐ Việt Nam là một chặng đường đầy cam go, thử thách và nỗ lực phi thường, với những giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ: 1961-1975; 1976-1990; 1991-2016 và từ năm 2016 đến nay.

Cùng chung với kết quả, thành tích đạt được của công tác DS - KHHGĐ cả nước, công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, Thái Nguyên đã khống chế được tốc độ gia tăng dân số nhanh, tốc độ tăng dân số giai đoạn 2009-2020 bình quân là 1,36%/năm. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm xuống còn 2,16 con (năm 2020). Cơ cấu dân số theo độ tuổi đã thay đổi theo hướng tích cực, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng, tỷ lệ người phụ thuộc giảm.

Dân số Thái Nguyên đang chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số già; phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối lao động - việc làm; tỷ lệ dân số đô thị của Thái Nguyên đã tăng lên 32,1% năm 2020.

Chất lượng dân số của tỉnh được cải thiện rõ rệt khi tuổi thọ bình quân tiếp tục tăng, năm 2020 là 73,7 tuổi (cao hơn nhiều so với các tỉnh trong khu vực); tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm xuống còn 13,75‰ năm 2020; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) năm 2020 giảm xuống dưới 10%.

Cùng với đó, việc phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 hoàn thành trước kế hoạch; duy trì vững chắc phổ cập trung học cơ sở; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm xuống còn 2,82%; hộ cận nghèo năm 2020 là 4,91%; thu nhập bình quân đầu người tăng...

Từ những kết quả đạt được, công tác dân số của tỉnh trong những năm qua được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước (2006); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1997, 1998); Cờ thi đua của Bộ Y tế, UBND tỉnh (2016); Bằng khen của BCH Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, của Bộ Y tế, UBND tỉnh; Giấy khen của Tổng cục DS - KHHGĐ…

Bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, công tác dân số của tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, như: Quy mô dân số lớn, mức sinh còn cao, Thái Nguyên thuộc nhóm 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổng tỷ suất sinh cao, chưa đạt mức sinh thay thế, mức sinh không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh.

Cùng với đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng; chất lượng dân số còn nhiều hạn chế; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao (114 trẻ trai/100 trẻ gái sinh sống) và cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Đáng nói là trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng tảo hôn; tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh; công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người cao tuổi, an sinh xã hội đang đặt ra một số vấn đề bức thiết.

Cơ cấu dân số vàng mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, thu nhập cao,… Mặt khác, cũng như thực trạng chung của cả nước, công tác dân số của Thái Nguyên trong những năm qua chủ yếu tập trung vào nội dung kế hoạch hóa gia đình; các nội dung về cơ cấu, phân bố, nâng cao chất lượng dân số chưa được chú trọng, quan tâm, chưa được triển khai một cách toàn diện.

Để khắc phục những tồn tại này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt  hơn nữa công tác DS - KHHGĐ. Trong đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của công tác này; cung cấp dịch vụ DS/SKSS/KHHGĐ thuận tiện và an toàn; đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS - KHHGĐ và từng bước mở rộng phù hợp với quá trình phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng, thường xuyên cập nhật, khai thác sử dụng hệ cơ sở dữ liệu dân cư; nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý, điều hành chương trình DS - KHHGĐ...