Thực hiện Chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới ”, từ cuối tháng 11-2021 đến nay, Trung tâm xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều điểm bán hàng Việt Nam tại các địa phương trong tỉnh. Chương trình không những giúp kích cầu tiêu dùng nội địa mà còn đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Cuối tháng 11 vừa qua, khi tham gia Chương trình trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa Việt tại xã Bộc Nhiêu (huyện Định Hóa), chúng tôi nhận thấy có khá đông bà con địa phương hào hứng tham gia mua sắm. Chị Lê Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bộc Nhiêu, chia sẻ: Ở miền núi, bà con chủ yếu mua sắm tại các phiên chợ địa phương nhưng hàng hóa không phong phú. Nếu muốn chọn hàng đúng ý, chúng tôi phải xuống trung tâm huyện hoặc T.P Thái Nguyên. Do vậy, việc mở gian hàng Việt ngay tại xã đã tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa Việt phong phú, đa dạng, lại đảm bảo chất lượng.
Còn anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã miến Việt Cường, có sản phẩm trưng bày tại Chương trình, cho biết: Trước đây, Hợp tác xã mới chỉ chú tâm chào hàng và đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn, mảng bán hàng tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa ít được quan tâm. Nhưng hôm nay, được tận mắt chứng kiến sản phẩm của mình được bà con hào hứng đón nhận, tôi quyết định sẽ quan tâm mở rộng thị trường ở các khu vực này để bà con được mua sắm những sản phẩm chất lượng ngay tại địa phương.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại, cho hay: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai Chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới”, từ cuối tháng 11-2021 đến nay, Trung tâm đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức 8 điểm bán hàng Việt tại các xã: Bộc Nhiêu, Bình Yên (Định Hóa); Sảng Mộc, Vũ Chấn, Phương Giao (Võ Nhai); Ôn Lương, Hợp Thành, Phủ Lý (Phú Lương). Từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều điểm bán hàng Việt tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Tại các điểm bán hàng Việt, hàng hóa được tuyển chọn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá cả lại thấp hơn so với thị trường. Bởi lẽ, các đơn vị tham gia Chương trình đều được hỗ trợ 100% chi phí dựng khu trưng bày bán hàng và một phần kinh phí vận chuyển hàng hóa.
Ngoài tổ chức các điểm bán hàng Việt tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, Trung tâm xúc tiến Thương mại còn vận động các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh như: Trung tâm thương mại GO! Thái Nguyên; Lan Chi Mart, Minh Cầu, Thành Đô… tham gia hoạt động kích cầu tiêu dùng hàng nội địa. Chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên quản lý siêu thị Thành Đô, đường Minh Cầu (T.P Thái Nguyên) thông tin: Siêu thị của chúng tôi có tới 90% hàng hóa Việt. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi đều phối hợp với các sở, ngành để triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng hàng Việt như: Tham gia chương trình khuyến mãi, giảm giá... để giúp người dân tiếp cận các sản phẩm chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất với giá cả hợp lý.
Trao đổi thêm về Chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới”, đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh, khẳng định: Đây là chương trình lớn nhằm khuyến khích nhân dân mua sắm, sử dụng hàng Việt. Để thực hiện tốt Chương trình, cuộc vận động, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ đạo cấp huyện tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc và tích cực hưởng ứng cuộc vận động.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, tăng cường giới thiệu, quảng bá, tôn vinh hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm của tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP. MTTQ cũng tham gia vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tích cực tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm; đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa hay các khu công nghiệp… Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng.