“Tháng Chạp là tháng trồng khoai/Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà/Tháng Ba cày vỡ ruộng ra/Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng…”.
Chuyên cần với thời vụ, lời dạy của người xưa đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là thời đại công nghiệp 4.0 càng đòi hỏi mỗi người cần có ý thức, tác phong của một “công dân số”. Tư tưởng tháng Giêng là tháng ăn chơi ví như chút gió nhẹ thoảng qua trong suy nghĩ mỗi người. Xã hội trọng người làm chứ không trọng người chơi. Đồng thời tháng Giêng - tháng khởi đầu của năm, nhắc nhở mỗi người khẩn trương trở lại với công việc, chân trọng công việc của mình.
Ăn tết và chơi hội Xuân - một nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Người Thái nguyên cũng không đứng ngoài cuộc. Minh chứng là trên toàn tỉnh có đến hơn 80 lễ hội đầu Xuân.
Trống giong, cờ mở thôi thúc người về hội, làm không khí đầu Xuân thêm rộn ràng, lòng người phấn chấn. Nhưng có mấy ai biết những nông dân đang hóa thân vào các nhân vật lịch sử đã lo xong việc nhà. Nhiều người gắng đến chiều 30 Tết bừa nhuyễn xong đám ruộng. Tối về lùa vội bát cơm với rau cải chua, lại ra đồng cặm cụi tra hạt mướp để kịp về làm cơm cúng tổ tiên lúc Giao thừa.
Sớm mùng 2 Tết, một thoáng “đủng đỉnh” với “bánh chưng thịt mỡ dưa hành” là vội vã ra đồng gieo cấy, bảo đảm khung thời vụ. Chẳng thế mà đến hôm mươi rằm tháng Giêng, nông dân Thái Nguyên đã thực hiện gieo cấy được gần 70% diện tích lúa vụ Xuân. Nhiều diện tích đã được làm xong cỏ đợt 1. Dưới đồng lúa vừa độ bén rễ hồi xanh, thì trên các vạt đồi bầu cây lâm nghiệp được đặt xuống, vươn chồi.
Trong sắc Xuân rộn ràng, một thoáng lặng lòng vì biết ơn những người dám gác lại hạnh phúc riêng để xuyên Tết phục vụ nhân dân. Họ là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc; là đội ngũ cán bộ y tế chăm lo sức khỏe nhân nhân. Rồi đội ngũ người lao động trong các ngành điện lực, viễn thông… luôn sẵn sàng khắc phục sự cố, bảo đảm ánh sáng điện quốc gia; cho thông tin liên lạc thông suốt, mọi người, mọi nhà xa mấy cũng gần bởi người thân như đang ở ngay trước mặt, từng lời chúc mừng thấy rõ hình, tròn tiếng. Và trên không ít công trường, nhà máy, có những cán bộ, kỹ sư, người lao động không về nhà vì tiến độ công trình.
Các thành viên Hợp tác xã Nuôi ong Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) trao đổi kinh nghiệm nhân ong chúa, tạo đàn.
“Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”. Đây không phải là khẩu hiệu mà là hành động của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và của mỗi cá nhân.
Đặc biệt, sau hơn 2 năm ứng phó với dịch COVID-19, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh đã có nhiều trải nghiệm thực tế, từ đó đúc kết kinh nghiệm, chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp ứng phó hiệu quả với diễn biến của dịch.
Quyết liệt thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: “Vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Minh chứng là ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 100% công chức nhà nước trở lại công sở làm việc. Và hầu hết người lao động tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại vị trí làm việc của mình. Nghiêm túc, khẩn trương, vì lợi ích của mình và lợi ích chung cho cả xã hội. Tất cả cùng tạo nên một khí thế phấn chấn thi đua làm việc. Không vì “Đầu năm thong thả, để cuối năm vất vả”.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: Du Xuân, đi lễ hội, thăm nom người thân và nghỉ ngơi là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Nhưng không thể lạm dụng, biện lý do kéo dài thêm ngày nghỉ để hội hè, đình đám. Vừa lãng phí thời gian, tiền của, lại không làm được ra sản phẩm cho xã hội. Nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID - 19 còn nhiều diễn biến khó lường, số ca nhiễm F0, các trường hợp F1, F2 gia tăng từng ngày.
Thực tế cuộc sống đời thường đang dần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về quan niệm tháng Giêng. Theo đó, nhiều các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh được tổ chức giản đơn, song bảo đảm nghi lễ tín ngưỡng dân gian.
Vì mục đích phòng chống dịch hiệu quả, Xuân 2021 các địa phương có lễ hội truyền thống chấp hành không tổ chức hội. Sang Xuân năm 2022 này, trong trạng thái phòng chống dịch “thích ứng an toàn, linh hoạt”, số người được tiêm mũi 3 vắc xin phòng dịch COVID - 19 chiếm tỷ lệ cao, nhiều điểm đến tham quan mở cửa đón khách, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch.
Tại các điểm đến của tỉnh không có nhiều du khách, bởi thực tế có nhiều người đã từng đi cách ly theo quy định của Bộ Y tế; nhiều người sử dụng lao động và người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19.
Theo đó là nhu cầu cần có việc làm ngay để ổn định cuộc sống gia đình, không phải nhu cầu dong chơi, xả hơi vì e ngại bản thân mình vô tình trở thành người phát tán dịch bệnh.
Người xưa thâm thúy nhường nào khi vè rằng: “Tháng giêng là tháng ăn chơi…”. Bài vè về sự lười được bắt đầu từ tháng Giêng cho đến hết tháng Chạp. 1 năm 12 tháng đều hội hè, cờ bạc, rượu chè. “Nhàn cư vi bất thiện”, chế diễu những người lười lao động, thích dong chơi, lêu lổng. Đồng thời nhắc nhở mọi người tránh xa cạm bẫy của tệ nạn xã hội, chuyên cần làm ăn, hướng đến việc thiện…
Vâng! Tháng Giêng, tháng khai mở một vòng quay của tạo hóa. Tháng mở hội xuống đồng. Tháng để người lao động phấn chấn, tự tin vào sức mình, và vào sức mạnh đoàn kết cộng đồng để cùng làm nên thắng lợi mới trên mọi lĩnh vực.