Cơ sở vật chất xuống cấp, luôn trong tình trạng vắng vẻ, hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả... đó là thực trạng tại các điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) khoảng 10 năm về trước. Còn hiện nay, các điểm BĐVHX đang từng bước đổi thay nhờ hoạt động theo mô hình đa dạng dịch vụ.
Có mặt tại điểm BĐVHX Vô Tranh (Phú Lương) vào một ngày cuối tháng 3, chúng tôi thấy nơi đây được sửa chữa khang trang, sạch đẹp, bên trong khá nhiều khách hàng đến giao dịch.
Đang đứng chờ nhân viên bưu điện kiểm tra hàng để gửi đi cho khách, chị Trương Thị Sự, xóm Liên Hồng 8, cho hay: Trung bình mỗi tháng tôi gửi đi cho khách hàng ở các tỉnh miền Nam khoảng 7 tạ chè búp khô. Trước đây, 2 vợ chồng tôi phải thay nhau chở hàng đến bến xe khách T.P Thái Nguyên để gửi, rồi lại quay lại lấy tiền của khách trả nên mất nhiều thời gian và chi phí đi lại. Nhưng 4 năm trở lại đây, tôi toàn ra điểm BĐVH xã cách nhà mấy trăm mét để gửi. Ngoài ra, tôi còn thường hay đến đây mua đồ tiêu dùng như nước giặt quần áo, dầu ăn.
Mỗi ngày có khoảng 100 lượt người tới giao dịch tại điểm BĐVHX Vô Tranh, doanh thu mỗi tháng trung bình đạt trên 50 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hoàn, phụ trách điểm BĐVHX Vô Tranh cho biết: Hiện nay, ngoài 3 mảng kinh doanh chính là bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, phân phối truyền thông, Điểm còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như: Chi trả trợ cấp, lương hưu; đại lý thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; bán lẻ hàng tiêu dùng... vì thế công việc của tôi cũng bận rộn hơn trước rất nhiều.
Còn khi đến với điểm BĐVHX Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) chúng tôi phải ngồi chờ chị Đặng Thị Thu Hiền, cán bộ phụ trách điểm BĐVHX giao dịch với khách hàng mất gần 30 phút.
Điểm BĐVHX Đồng Liên không còn cảnh “cửa đóng then cài” như trước.
Chị Hiền nhớ lại: Trước đây, cả ngày chỉ có một vài người dân đến điểm BĐVHX để gửi thư hay gọi cuộc điện thoại, vì thế thu nhập của tôi chỉ được vài trăm nghìn đồng/tháng. Nhưng từ khi chuyển sang mô hình đa dạng dịch vụ, người dân đến đông hơn, thu nhập trung bình mỗi tháng của tôi được từ 8-10 triệu đồng…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 138 điểm BĐVHX và đều đang hoạt động có hiệu quả, doanh thu tăng theo từng năm. Đơn cử như năm 2020, tổng doanh thu tại các điểm BĐVHX đạt 76 tỷ đồng, năm 2021 đạt 80,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của nhân viên phụ trách điểm BĐVHX đạt trên 8 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình 630.000 đồng/tháng
Bà Nguyễn Thúy Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh chia sẻ: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư xây mới, sửa chữa lại những điểm BĐVHX đang xuống cấp; phối hợp với các xã, thị trấn truyền thông để người dân biết và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 qua điểm BĐVHX; ký thỏa thuận hợp tác với Hội nông dân để cùng hỗ trợ người dân tham gia kinh doanh trên môi trường số...