Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về thu hút đầu tư, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã mời gọi được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sự có mặt của các doanh nghiệp FDI đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo “cú hích” trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Hơn 80 nghìn lao động có việc làm
Toàn tỉnh hiện có hơn 160 dự án FDI được cấp phép đăng ký và còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 9,7 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả đã và đang góp phần giải quyết việc làm ổn định cho trên 80 nghìn NLĐ. Trong đó, phần lớn là lực lượng lao động có trình độ phổ thông.
Đơn cử như Công ty TNHH Mani Hà Nội với 100% vốn đầu tư nước ngoài (chuyên sản xuất dụng cụ y tế xuất khẩu) đang giải quyết việc làm cho 2.700 NLĐ (lao động phổ thông chiếm 60% ). Là một trong số những lao động tại Công ty, chị Hoàng Thị Tám, chia sẻ: Trước đây, công việc của tôi chủ yếu là làm ruộng vì rất khó tìm việc làm phù hợp với trình độ của mình. Vậy nhưng, từ khi có các nhà đầu tư nước ngoài thì nhiều công ty, doanh nghiệp về tận xóm để tuyển dụng lao động. Nhờ đó, tôi có cơ hội vào đây làm việc.
Cùng với lực lượng lao động có trình độ phổ thông dồi dào, hằng năm, tỉnh Thái Nguyên có trên 100 nghìn sinh viên có trình độ, tay nghề ở nhiều lĩnh vực: Công nghiệp, điện tử, ngoại ngữ, cơ khí luyện kim… được đào tạo và tốt nghiệp. Vì thế, sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI đã mở ra "cánh cửa” tìm được việc làm cho lực lượng lao động này.
Anh Trần Xuân Đức, ở TP. Thái Nguyên, nói: Sau khi tốt nghiệp Đại học với chuyên ngành kỹ thuật điện tử vào năm 2021, tôi có thể lựa chọn, tìm kiếm một công việc đúng chuyên môn của mình tại các nhà máy sản xuất linh phụ kiện điện tử trong Khu công nghiệp Điềm Thụy. Tôi cảm thấy rất phấn khởi vì tìm được công việc đúng chuyên ngành và không phải đi làm xa gia đình.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Young Jin Hi- tech Việt Nam ở Khu công nghiệp Điềm Thụy.
Thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng
Cùng với giải quyết việc làm ổn định, hiện nay, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh cũng bảo đảm mức thu nhập cho NLĐ trung bình đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp rất quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chế độ phúc lợi cho NLĐ.
Một điểm đáng nói là các doanh nghiệp FDI không chỉ tạo việc làm trực tiếp cho công nhân, NLĐ làm việc tại các nhà máy mà còn gián tiếp tạo việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân địa phương sống gần các khu, cụm công nghiệp.
Là địa phương có nhiều nhà máy của doanh nghiệp FDI đóng chân trên địa bàn, ông Lý Thái Việt, Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến (TP. Phổ Yên), cho biết: Việc thu hút được một lượng lớn NLĐ, chuyên gia người nước ngoài đến làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã góp phần tạo điều kiện cho người dân địa phương chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ với các dịch vụ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, chợ, siêu thị… Từ đó, nhân dân địa phương có điều kiện nâng cao thu nhập, đạt từ 70-75 triệu đồng/người/năm (tăng 2,5 lần so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo của phường giảm xuống chỉ còn 0,36%.
Công nhân lao động mua sắm tại Siêu thị Aloha mall Sông Công (TP. Sông Công).
Có thể thấy, các doanh nghiệp FDI đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động; đưa các chính sách, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống của người dân đi vào cuộc sống. Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2022-2025, Thái Nguyên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án FDI và coi đây là khâu then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội.