Trong khi nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế thì giá đất hiện nay tại nhiều nơi ngày càng tăng, khiến ước mơ an cư của công nhân, lao động càng trở nên xa vời. Do đó, việc sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trong thời gian tới là rất cần thiết.
Chị Nông Thị Ngọc ở xã Nghinh Tường (Võ Nhai) làm công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình được hơn 8 năm nay. 3 mẹ con chị Ngọc hiện đang thuê trọ ngay gần cầu vượt Đán (T.P Thái Nguyên) để bắt xe công ty đi làm hằng ngày. Phòng trọ của chị Ngọc rộng chừng hơn 30m2, gồm cả phòng ngủ và phòng bếp. Mỗi tháng tổng tiền nhà, điện, nước hết trung bình trên dưới 2 triệu đồng.
Chị Ngọc cho biết: Trong thời gian đi làm công nhân tôi cũng tiết kiệm được một ít tiền, dự định mua một căn nhà ở xã hội với giá rẻ, để các cháu có nơi ở rộng rãi và có điều kiện học tập tốt hơn. Nhưng chờ mãi vẫn chưa có cơ hội, vừa qua tôi cũng nhờ người quen tìm mua đất để làm nhà. Tuy nhiên, giá đất quá cao nên tôi chưa thể mua được.
Để “nhường” đất cho KCN Yên Bình, năm 2014 gia đình ông Nguyễn Viết Lân cùng với người dân xóm Liên Sơn, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên), chuyển ra chỗ ở mới. Ông Lân được cấp 292m2 đất ở tại khu tái định cư ngay sát KCN. Hiện nay, gia đình ông có 6 nhân khẩu, trong đó vợ chồng người con trai cả và con trai thứ 2 đang làm công nhân tại các công ty trong KCN Yên Bình và Điềm Thụy.
Ông Lân chia sẻ: Sắp tới, con trai thứ 2 của tôi cưới vợ. Các cháu cũng có ý định ra ở riêng nhưng giá đất hiện nay ở đây quá cao so với mức thu nhập của cháu (từ 20-25 triệu đồng/m2).
Còn anh Lưu Văn Hoàn, xã Phú Thịnh (Đại Từ), cho hay: Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân tại T.P Thái Nguyên, thu nhập cũng ổn định. Do vợ sắp sinh con thứ 2 nên cuối năm 2021 tôi có dự định vay thêm ngân hàng để mua đất xây nhà, nhưng giá đất quá cao nên không dám mua. Vì thế, đầu năm 2022 vợ chồng tôi quyết định về xin làm công nhân ở gần nhà, mặc dù thu nhập chỉ bằng một nửa so với trước đây nhưng bù lại không phải thuê trọ…
Những cơn “sốt đất” đã và đang đẩy mặt bằng giá bất động sản ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh lên cao, nhất là ở khu vực thành phố, thị xã, KCN. Điều này đã khiến cho ước muốn về nhà ở của công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN đã khó càng khó hơn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 90.000 người lao động đang làm việc tại các KCN, trong đó số công nhân có nhu cầu về nhà ở rất lớn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, lao động, người có thu nhập thấp, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định, gồm: Dự án Khu nhà ở công nhân - nhà ở xã hội phường Tích Lương; Dự án Nhà ở xã hội Green House và Dự án khu nhà ở xã hội tại xã Quyết Thắng. Các dự án này nếu hoàn thành sẽ có 1.456 căn hộ được ưu tiên dành cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ: Việc triển khai các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp sẽ đem lại rất nhiều lợi ích như: Giảm chi phí, phương tiện đưa đón người lao động cho doanh nghiệp; giảm thời gian và chi phí của người lao động do phải di chuyển một quãng đường dài từ nơi ở tới nơi làm việc; giảm nguy cơ đứt gãy nguồn cung lao động khi dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, việc người lao động ổn định chỗ ở tại các khu nhà ở tập trung sẽ giúp các cấp công đoàn thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, chăm lo, hỗ trợ người lao động….