Mất tiền mua bực vào người

06:08, 15/04/2022

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, để hạn chế đi lại nhằm “trốn” dịch nhưng vẫn thỏa mãn cơn “nghiện’ mua sắm, nhiều người đã chi khá nhiều tiền vào mua hàng online, nhất là các sản phẩm quần áo, giầy dép, túi ví… Tuy nhiên, độ hài lòng từ món hàng mua được trên mạng lại tỷ lệ nghịch với số tiền dã bỏ ra…

Than thở với tôi về chiếc áo vừa nhận được thông qua mua hàng online, cô bạn cho hay: Trong livestream, chiếc áo có màu đỏ tươi, rất đẹp. Vây mà ở ngoài, màu đỏ biến thành màu mận xám xịt, chỉ phù hợp với các bà U60. Em đành phải tìm người cho đi, chứ mẹ em không mặc chiếc áo kiểu dáng như thế này.

Ở Thái Nguyên, những người mua hàng online nhưng không hài lòng với sản phẩm nhận được giống như người bạn của tôi không hiếm. Ngoài không ưng ý về kiểu dáng, mẫu mã (nhưng không được trả lại vì đã xem trực tiếp trên livestream) thì rất nhiều sản phẩm còn bị lỗi như bị rách đường may (với quần, áo, váy); túi ví bị xước; size giầy dép không chuẩn… Nhiều sản phẩm đắt tiền như: Áo lông thú, áo da… lên đến hàng chục triệu đồng/sản phẩm cũng xuất hiện các lỗi tương tự, nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng. Thậm chí, nhiều người đặt mua sản phẩm này lại nhận được một sản phẩm khác.

Chị Trần Thanh Thủy, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên), nói: Bỏ tiền ra mua hàng online là chấp nhận may, rủi. Khi gặp sự cố, hầu hết các kiến nghị của khách hàng đều không được giải quyết thỏa đáng. Ví như sản phẩm lỗi, người mua được đổi hàng đi chăng nữa vẫn phải mất thêm hai lần phí ship, phí chuyển về cho shop và phí nhận hàng chuyển lại. Đó là chưa kể, nhiều shop còn chặn luôn tin nhắn của người mua khi có phản hồi về các lỗi sản phẩm. Nhiều người cũng chọn cách “bóc phốt” shop không uy tín trong các hội, nhóm trên mạng xã hội, nhưng sau đó shop lại đổi tên khác nên rất khó phát hiện để tẩy chay…

Đặc biệt, nhiều đối tượng còn lợi dụng bán hàng online để lừa đảo người mua hàng. Không ít shop chào hàng sản phẩm cực “xịn” với giá cực rẻ để người mua “cắn câu”. Nhưng khách chuyển khoản xong là “lặn không sủi tăm”...

Chị Trịnh Hoàng Ly, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), cho biết: Một lần “dạo” trên mạng, tôi thấy có trang Facebook chào bán loại thuốc tẩy trắng, tẩy mốc quần áo rất hiệu quả. Để thử nghiệm, tôi đặt mua 1 chai với giá 100 nghìn đồng. Khi shipper mang hàng đến, tôi trả tiền mua hàng và phí ship xong mới được mở hàng ra xem (cửa hàng đó yêu cầu không được kiểm tra hàng trước khi thanh toán) thì thấy bên trong có một chai rỗng, không có dung dịch. Tôi thông báo lại cho shipper, anh ấy rất thông cảm nhưng lại không thể giải quyết vì mã hàng này đã ấn lệnh hoàn thành trong việc giao hàng (nếu chưa ấn lệnh này mới có thể hoàn hàng được). Tôi gọi tới số điện thoại được lưu trên trang Facebook thì thấy báo không liên lạc được; nhắn tin vào messenger thì không ai trả lời. Vì số tiền không lớn nên tôi đành nuốt “cục tức” vào lòng và tự hứa với mình không bao giờ mua hàng online ở những địa chỉ thiếu uy tín.

Mất tiền mua bực vào người là thực trạng đang diễn ra đối với không ít người mua hàng online. Trên thực tế thì hiện nay, quá trình thực thi những quy định pháp luật về kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, người kinh doanh trực tuyến trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram - những nền tảng thu hút hàng triệu người tham gia không phải đăng ký kinh doanh; trách nhiệm của người kinh doanh trực tuyến được quy định thiếu cụ thể, không rõ ràng… Do đó, khi có sự cố xảy ra, người mua hàng luôn nhận phần thiệt.

Vì vậy, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương khuyến cáo người dân hãy cân nhắc kỹ khi mua hàng online; lựa chọn những địa chỉ uy tín, chất lượng; chỉ nên mua những mặt hàng thật sự cần thiết để tránh gây lãng phí cho bản thân và gia đình…