Thế hệ sinh năm 1975 may mắn được sinh ra trong hòa bình, thống nhất. Nhưng tuổi thơ của họ có nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhọc nhằn vì đất nước vừa trải qua chiến tranh... Nay, tuổi đời ở độ chín, họ đã có nhiều cống hiến, trải nghiệm... Phóng viên Báo Thái Nguyên có dịp gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện của một vài người trong số đó.
Chữ tín phải đặt lên hàng đầu
(Chị Phạm Thị Khánh Vân, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần CNT GROUP)
Tôi sinh tháng 12-1975, gần 8 tháng sau ngày thống nhất đất nước, trong một gia đình công nhân nghèo ở TP. Thái Nguyên, có 4 chị em.
Thành phố Thái Nguyên những năm tháng đó nghèo khó nhưng đẹp và thơ mộng. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh khu tập thể của Xí nghiệp In Bắc Thái, nơi gia đình tôi và hàng chục hộ khác sinh sống. Chẳng nhà nào có khu bếp và nhà vệ sinh riêng.
Cuộc sống quá khó khăn, bố mẹ tôi phải xin nghỉ làm để lĩnh “một cục” về buôn bán, nuôi con ăn học. Mặc dù tuổi còn nhỏ, song hết giờ học tôi phải ôm bình nước chè tươi ra bán cho khách qua lại ở khu ga tàu Thái Nguyên, đỡ đần thêm cho bố mẹ.
Thời bao cấp, mọi thứ dù nhỏ nhất đều được phân phối bằng tem phiếu, chật vật mà sống, tằn tiện qua ngày. Mấy chị em muốn xin tiền đóng học, phải bàn nhau ai xin trước, ai xin sau.
Khó khăn quá, đầu năm học lớp 12, tôi phải nghỉ học ở nhà để làm việc cùng bố mẹ lo cho các em. Ở nhà, tôi hết làm tăm tre, rồi đến cuốn thuốc lá mang ra chợ bán... Chính qua những năm tháng khó khăn ấy mới có tôi như hôm nay. Tôi biết ơn các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, để chúng tôi và lớp lớp thế hệ sau này được sống trong hòa bình, hạnh phúc.
Không ai sinh ra đã hoàn thiện. Vì thế, trong mọi công việc đều phải nêu cao tinh thần học hỏi, trong kinh doanh phải đặt chữ tín lên hàng đầu. Giá trị cốt lõi, sự phát triển bền vững phải được từng thành viên vun đắp bằng những việc làm cụ thể nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Tôi rất vui vì dù năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn do địa dịch COVID-19, nhưng tổng doanh thu của Công ty lần đầu tiên đạt 440 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2020, lợi nhuận ước đạt 6 tỷ đồng, tăng 200%; nộp ngân sách 3,7 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt gần 8 triệu đồng/người/tháng. Công ty được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh; được Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng Doanh nghiệp vì người lao động giai đoạn 2019-2021.
Công việc cho tôi niềm vui, hạnh phúc
(Bác sĩ chuyên khoa II Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên)
Tôi quê gốc ở Bắc Kạn, nhưng sinh ra ở Thái Nguyên vào trung tuần tháng 12 năm 1975. Tôi và các bạn vẫn hay nói với nhau: Thế hệ mình vẫn là may mắn nhất khi được sinh ra vào thời điểm đất nước thống nhất, không phải đối diện với chiến tranh như cha anh. Thật may mắn là đất nước đang phát triển mạnh mẽ, tạo động lực và cơ hội cho tôi được học và làm nhiều thứ hơn.
Tuổi thơ của tôi cũng giống nhiều bạn cùng trang lứa, mặc dù hòa bình lập lại, song đất nước trong quá trình kiến thiết nên gặp rất nhiều khó khăn. Bố mẹ tôi là cán bộ, công chức, ngoài tiền lương không làm thêm được gì. Vì thế, những hình ảnh xếp hàng mậu dịch để mua từng lạng thịt, cân muối là ký ức tôi không bao giờ quên.
Mặc dù cuộc sống rất khó khăn, song bố mẹ tôi luôn dành những gì tốt nhất cho 3 chị em. Từ nhỏ, mỗi lần theo mẹ đi trực (mẹ tôi làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên), tôi rất ngưỡng mộ công việc của bà, rồi yêu thích, quyết tâm học thi đỗ vào Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên.
Tôi rất may mắn là ông xã cùng ngành nên luôn thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành trong công việc, sự nghiệp học tập. Hai con tôi rất tự lập, tự giác trong học tập. Cháu lớn đang học lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Hiện, cháu đã trúng tuyển chuyên ngành Kinh tế của 1 trường đại học ở Đức. Cháu thứ 2 đang học lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi IOE và Vioedu.
Nếu được lựa chọn lại tôi vẫn chọn theo ngành Y. Bởi trong công việc, tôi tìm thấy niềm vui, hạnh phúc vì được cống hiến, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân.
Giữ ngọn lửa đam mê
(PGS-TS Hà Thị Thu Thủy, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn miền núi, Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên)
Tôi sinh ngày 21 tháng 4 năm 1975 - đúng ngày Chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, “Cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn - Gia Định đã mở ra, tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Tên của tôi được bố đặt gắn với nhân vật Xuân Thủy trong Hội nghị Pari năm 1973. Tôi còn nhớ như in bố tôi luôn bảo "Bác là Xuân Thủy, cháu là Thu Thủy”. Đối với tôi, bố chính là người thầy vĩ đại, đã dạy tôi viết, học và sau này học Khoa Lịch sử rồi làm giảng viên như bố.
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình viên chức, bố mẹ công tác trong Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, nay là Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Gia đình 5 thành viên được phân một căn tập thể khá chật chội. Để nuôi dạy các con ăn học, bố mẹ tôi phải vừa đi làm ở trường vừa làm thêm, như cuốn thuốc lá thuê, khâu nón, bóc lạc... để đổi lấy mì chính, nước mắm.
Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tôi đã nỗ lực học tập tốt. Tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại Trường làm giảng viên. Năm 2009, tôi đạt học vị Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại; năm 2013, tôi được công nhận chức danh Phó Giáo sư.
Tôi có 2 con, các cháu đều chăm ngoan học giỏi. Con trai lớn nhiều năm là học sinh giỏi cấp thành phố, tỉnh, hiện là sinh viên Chương trình Tiên tiến Khoa Kinh tế Đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương. Con gái thứ hai đang học lớp 10 Trường Chuyên Thái Nguyên. Trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua, cháu giành giải Nhất môn Lịch sử.
Tôi hiểu những khó khăn mà thế hệ mình phải trải qua, thiếu thốn về vật chất, không được học nhiều và có cơ hội như các bạn trẻ bây giờ. Nhưng tôi hài lòng rằng tôi vẫn luôn giữ được hoài bão và lý tưởng, đam mê với nghề nghiệp mình đã chọn.